Bài học từ sự xuất gia của Đức Phật: Nhàm lìa dục lạc và giải thoát khỏi phiền não
Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) - một vị Thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, đang ở độ tuổi thanh xuân, có vợ đẹp con yêu và một tương lai huy hoàng nhưng Ngài vẫn sẵn sàng rũ bỏ tất cả để ra đi, quyết tìm chân lý, tìm con đường giải thoát cho tất cả chúng sinh.
Từ sự xuất gia của Đức Phật, người đệ tử xuất gia hay tại gia đều có được những bài học quý giá cho mình; để ứng dụng hàng ngày, nuôi chí nguyện cho bền, và từ đó sẽ có ngày thành tựu như Ngài. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết được những bài học mà người đệ tử Phật học được từ sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia.
Bài học từ sự xuất gia của Đức Phật: Nhàm lìa dục lạc và giải thoát khỏi phiền não
Sống trong trần gian nhưng không đắm nhiễm dục lạc thế gian
Trước khi xuất gia, với địa vị là một Thái tử, được thụ hưởng đầy đủ mọi dục lạc, không thiếu điều gì; nhưng Thái tử Tất Đạt Đa vẫn rũ bỏ tất cả để ra đi, thực hiện chí nguyện xuất gia. Từ tấm gương của Ngài, người Phật tử sống ở thế gian, chưa đủ nhân duyên xuất gia thì phải tập dần không nhiễm dục lạc, dần dần sẽ có duyên xuất gia.
Chúng ta nên có tâm nhàm lìa, tức là sống tại gia nhưng phải tư duy để thấy được dục lạc trần gian đáng nhàm chán, tất cả vật chất chỉ là phù hoa, tạm bợ, không có gì là vui, bền chắc; đến cả thân thể chúng ta cũng có ngày phải bỏ đi. Ví dụ: chúng ta xây được căn nhà to đẹp, căn nhà rồi cũng hoại; có xe đẹp rồi đến khi chết cũng phải trả lại trần gian,... Chúng ta thường xuyên tư duy, quán sát như vậy để có tâm xả ly.
Nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia
Ngôi nhà tại gia thực sự như ngục tù trói buộc chúng ta. Thái tử Tất Đạt Đa sống trong cung vàng điện ngọc, là bậc quyền uy đến vậy mà Ngài còn giác ngộ được điều đó. Cuộc sống tại gia là ngục trói, làm chúng ta mê mờ, không thể tỉnh giác, không bao giờ nghĩ thoát ra được cho đến khi chết.
Trong Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trường A Hàm, kinh Kiên Cố có viết:“Ta không nên sống tại gia. Nếu sống tại gia, trói buộc liên miên, không thể thanh tịnh tu hành phạm hạnh. Nay ta hãy cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, đủ các công đức,…”
Từ sự xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa, người Phật tử tại gia cũng phải tự soi lại mình để nuôi chí nguyện xuất gia, thấy được cuộc sống tại gia là tù túng, trói buộc, không thể giải thoát. Dù già hay trẻ, giàu sang đến đâu, trong tâm mình cũng phải ấp ủ hạt giống xuất gia. Từ hạt giống này, chúng ta sẽ có cơ hội giải thoát luân hồi sinh tử về sau.
Hơn nữa, người đệ tử tại gia khi tâm hướng đến xuất gia sẽ khao khát, chăm chỉ học Pháp, thực hành Pháp của Phật, đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình, cho cộng đồng xã hội.

Nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia sẽ có cơ hội giải thoát luân hồi sinh tử về sau
Đối với người đệ tử xuất gia: Ngày ngày sống đúng nghĩa xuất gia
Qua sự xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa, vị Tỳ kheo cần rút ra cho mình bài học - là phải xuất gia hàng ngày, không phải chỉ ngày cạo tóc mới là ngày xuất gia. Xuất gia như vậy mới dần được giải thoát, dần đi qua các cửa ải phiền não và sẽ ra khỏi nhà phiền não.
Sáng mở mắt thức dậy, vị Tỳ kheo sờ tay lên đầu, biết rằng bản thân là người xuất gia thì phải nghĩ cách vượt qua phiền não. Hôm qua, phiền não nào còn trói buộc, làm khổ mình; thì khi thức dậy; nhất khoát phải ra khỏi phiền não, không để nó quấy rầy mình nữa. Đó là xuất gia. Cho nên, người xuất gia phải chịu khó xuất gia hàng ngày, ra khỏi phiền não hàng ngày.
Trên đây là lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh về những bài học mà người đệ tử Phật học được từ sự kiện xuất gia của Đức Phật. Từ đó, Tăng Ni và Phật tử thấu hiểu được tâm tư của Thái tử Tất Đạt Đa khi rời bỏ hoàng cung, mang theo chí nguyện lớn lao. Ngài xuất gia vì mục tiêu giải thoát cho bản thân, tìm ra con đường cứu khổ cho chúng sinh. Và chúng ta ứng dụng những bài học trên hàng ngày, nuôi chí cho bền thì sẽ thành tựu được giải thoát.
Nếu còn điều gì thắc mắc về xuất gia, quý độc giả có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!