4 lần vượt thành tiếp xúc khổ đau, Thái tử Tất Đạt Đa bỏ tất cả ra đi
“Kính thưa đại chúng! Ngay từ khi còn nhỏ cho tới tuổi trưởng thành, Thái tử Tất Đạt Đa luôn được sống trong nhung lụa, hạnh phúc êm ấm, nhưng Ngài vẫn ưu tư một nỗi khắc khoải trong lòng. Ngài rất muốn biết cuộc sống bên ngoài cung thành như thế nào, nên tính chuyện vượt thành để đi xem, dù vua cha Tịnh Phạn cấm cửa thành. Thái tử có 4 lần ra ngoài thành.
Lần vượt thành thứ nhất: Tại sao con người lại bị già?
Trong sử nói, lần đầu tiên đi, Thái tử ra cửa thành Đông. Ngài gặp một lão già lụ khụ chống gậy, lưng còng, da nhăn. Ngài không biết đây là người gì mà bị như vậy và tại sao lại như thế, vì trong cung, toàn những người thanh niên trẻ khỏe, mạnh mẽ.
Thái tử hỏi người đánh xe Xa Nặc: “Đây là người gì vậy?”
Xa Nặc nói: “Đây là một cụ già, tâu Thái tử. Già nghĩa là đến tuổi có các hiện tượng tóc bạc, mắt mờ, da nhăn nheo, lưng còng, gối mỏi, răng rụng, chân chùn phải chống gậy, quên trước quên sau,... Đó là cái tướng của người già.”
Thái tử hỏi: “Sau này, ta có bị già không?”
Xa Nặc nói: “Trước sau gì Thái tử cũng phải già, không ai tránh được tuổi già.”
Thái tử nói người đánh xe quay về, không đi chơi nữa. Về hoàng cung, Ngài trầm tư suy nghĩ về chuyện tuổi già của mình và mọi người. Ai cũng sẽ già, xấu xí, không làm được gì nữa.
>>> Tuổi già làm gì để tích thật nhiều phước?
Lần thứ 2: Tại sao con người lại phải bệnh?
Sau đó, Thái tử trốn cung thành đi chơi lần thứ hai. Ra cửa thành Nam đi chơi, Thái tử gặp một người nằm đắp chiếu bên vệ đường. Người ấy đang rên, ho, máu từ miệng phun ra. Thái tử bắt người tùy tùng dừng xe lại, rồi xuống xem và hỏi Xa Nặc: “Đây là người gì?”
Xa Nặc trả lời: “Tâu Thái tử, đây là một người bị bệnh. Ông ấy bệnh lao phổi, nên bị ho ra máu như thế!”
- Bệnh là thế nào?
- Bệnh là những sự làm cho thân thể mình tiều tụy và đau đớn.
- Ta có bị bệnh như thế không?
- Tâu Thái tử, ai cũng phải bị bệnh. Ngài bây giờ tuy trẻ khỏe, nhưng rồi Ngài cũng vẫn phải bị bệnh. Bệnh sẽ làm tiêu hủy cơ thể, làm cho Ngài đau đớn và rất khổ. Quay về cung, Thái tử trầm tư về cái bệnh đến với con người. Tại sao con người phải bị bệnh? Vì từ bé đến bây giờ, Thái tử luôn là một con người hoàn hảo, rất khỏe mạnh, chưa từng bị bệnh, dù là hắt hơi sổ mũi cũng không, nên Ngài không biết bệnh là gì.
Lần thứ ba: Tại sao con người lại phải chết? Chết là còn hay hết?
Lần trốn thành thứ ba, Thái tử ra cửa thành Tây. Đi được một đoạn đường xa thì Thái tử nhìn thấy một đoàn người mặc đồ tang và khóc lóc; có 5, 6 người khênh một cái cáng, phủ một tấm vải trắng bên trên.
Thái tử mới hỏi Xa Nặc: “Đấy là cái gì?”
Xa Nặc trả lời: “Đó là đám tang đưa một người chết đi lên giàn hỏa để thiêu, tâu Thái tử.”
Thái tử cho xe đi theo đám tang ấy, đến chỗ giàn thiêu, người ta hạ cái cáng xuống, Thái tử cũng xuống xe để xem người chết là người gì, người chết là người thế nào,... Ngài xin phép người chủ ở đó mở cái khăn phủ ra, rồi Ngài nhìn thấy một người nằm im bất động.
Thái tử hỏi: “Đây là người chết à?”
Xa Nặc trả lời: “Tâu Thái tử, đây là người chết.”
- Người chết là thế nào?
- Chết là hết, là không biết gì, thưa Thái tử! Lát nữa, người ta sẽ đưa cái xác chết này vào giàn hỏa để đốt, cho xác hóa thành tro, thành than.
- Người này chết, ta có chết không?
- “Thái tử cũng phải chết. Đã sinh ra trên đời, ai cũng phải chết, không thể không chết được. Thái tử đừng nghĩ mình trẻ khỏe thế này mà không phải chết. Trước sau gì Thái tử cũng chết, nằm bất động, rồi sẽ bị khênh lên trên giàn hỏa để đốt như thế này.” - Xa Nặc nhấn mạnh với Thái tử như vậy.
>>> Ai rồi cũng phải chết, vậy chúng ta sống vì điều gì?
Sự kiện này đã chấn động toàn thân và tâm hồn Thái tử. Thái tử nói tùy tùng đánh xe quay về. Trong lòng Ngài nặng nỗi ưu tư, suy nghĩ về cái chết của đời người. Tại sao chúng ta lại phải chết, rồi trở thành một cái xác bất động như vậy? Chết là gì? Chết rồi có còn hay là hết? Chết mà hết thì cuộc đời này có ý nghĩa gì? Ôi, bao nhiêu thứ mình yêu quý, nào vua cha, vợ đẹp, con yêu, nào cung vàng điện ngọc,... rồi cũng sẽ hết sao? Thái tử rất trằn trọc, suy tư về cuộc đời. Nếu cuộc đời chỉ là một sự sinh tử và bao điều đau khổ, thì cuộc đời này có ý nghĩa gì? Câu hỏi ấy cứ trĩu nặng trong tâm Ngài.
Kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu - quy luật sinh tồn của muôn loài!
Thái tử nhớ lại thuở bé, khi Ngài theo vua cha đi làm lễ hạ điền. Trong buổi làm lễ, đức vua cũng xuống cày ruộng với nhân dân. Các cung nữ để Thái tử ngồi dưới một tán cây. Khi Ngài đang nhìn những người nông dân đi cày ruộng thì thấy bật lên những con giun, con côn trùng. Chúng giãy giụa trên mặt đất, rồi bị một đàn chim sâu đến mổ và ăn. Trên trời, có một con chim cắt đang rình mồi, nó liền nhào xuống để bắt những con chim sâu. Và con chim cắt đó cũng không biết rằng, có một người thợ săn ở phía xa đang giương cung để bắn nó.
Nhìn cảnh tượng ấy, Thái tử suy tư, thấy cuộc đời thật lạ! Dù lúc ấy còn bé, nhưng trong lòng Thái tử đã khởi lên ý niệm thấy cuộc đời là sự tương tàn, tương sát, kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, ăn nuốt lẫn nhau, rất đau khổ. Sau đó, Ngài trầm tư và đi vào thiền định. Trong kinh nói, lúc ấy Thái tử vào sơ thiền.
Khi vua cha xong lễ hạ điền, trở về tìm con thì thấy con đang ngồi nhập định. Nhìn con trai mới 7 tuổi mà ngồi trang nghiêm, có uy đức đặc biệt, vua cha đã cúi đầu, lễ chính con trai của mình. Đây là lần thứ hai, đức vua Tịnh Phạn lễ Thái tử. Sau khi đi 3 cửa thành về, trong tâm Thái tử rất ưu tư, suy nghĩ về cuộc đời và trăn trở, không biết làm sao để thoát được những cái khổ này. Tự nhiên, trong tâm Ngài thấy cuộc đời có điều gì đó thật vô vị và vô nghĩa.
Lần vượt thành thứ tư: Thái tử xác định con đường mình sẽ đi
Lần trốn thành thứ tư, Thái tử ra cửa thành Bắc, rồi gặp một vị mặc áo của người tu sĩ. Thái tử mới hỏi Xa Nặc: “Đấy là ai vậy?”
Xa Nặc trả lời: “Tâu Thái tử, đó là một vị tu sĩ, rời bỏ gia đình để đi tu.”
Thái tử tiến đến gần vị tu sĩ và hỏi: “Thưa ngài, có phải ngài là tu sĩ?”
Vị tu sĩ trả lời: “Vâng.”
- Là tu sĩ thì ngài tu cái gì?
- Tôi từ bỏ gia đình đi tu, vì tôi muốn giải thoát mọi đau khổ cho mình và để giác ngộ được chân lý, cứu độ chúng sinh.
Nghe vị tu sĩ nói, Thái tử rất cảm kích. Ngài thấy có một cái gì đó rất tương hợp với mình, dường như trong tâm Ngài đã có xu hướng giống như vị tu sĩ rồi. Thái tử nói lời cảm ơn và khắc ghi lời của vị tu sĩ vào trong tâm, rồi trở về.
Từ đó, trong tâm Thái tử âm thầm, nung nấu một ý chí phải đi tu. Ngài thấy, cung vàng điện ngọc đều là những sự trói buộc.
>>> Mục đích của người xuất gia tu đạo Phật là gì?
Ra đi khi hoàng thành say ngủ
Một hôm, trong cung tổ chức dạ tiệc, từ vua đến các quan, cung phi mỹ nữ, tất cả đều được vào dự tiệc, rất vui. Đến khuya, khi tiệc đã tàn, Thái tử đi nghỉ. Các cung nữ cũng mệt, buông hết đàn khí xuống, rồi lăn ra sàn ngủ. Nửa đêm, Thái tử thức giấc, Ngài đi qua phòng hát, nhìn thấy các cung nữ nằm ngủ ngả ngốn trên sàn, mồ hôi nhễ nhại, son phấn nhòe nhoẹt trên mặt, áo xiêm xốc xếch, có vị thì thở phì phò, có vị thì rớt dãi từ trong miệng chảy ra,... khuôn mặt các cung nữ bợt bạt, Ngài thấy họ nằm như những xác chết. Nhìn cảnh đó, Thái tử thấy rất ghê, Ngài nói rằng: “Thật ngột ngạt và kinh khủng!”
Thái tử quyết định phải ra đi! Ý chí đó thôi thúc Thái tử vô cùng. Ngài nói phải đi ngay trong đêm nay (ngày 08 tháng 02 âm lịch), không chần chừ được nữa.”
(Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh từ Pháp thoại: “Sự từ bỏ vĩ đại”)