Những câu chuyện nhân quả cực hay bạn nên đọc một lần!
Mục Lục [Ẩn]
Những câu chuyện nhân quả mà Thầy Thích Trúc Thái Minh kể dưới đây cho chúng ta thấy, bất kì ai đã gieo nhân ác cũng đều gặt quả xấu, nhất là việc ác hại Tam Bảo thì hậu quả khó lường. Cho nên, chúng ta cần cẩn trọng trong mọi lời nói, hành vi, việc làm để tránh gieo nhân quả xấu cho mình.
1. Lận đận trong công việc vì vô ơn, bội nghĩa
Trong chuyện nhân quả kể rằng, ngày xưa có một người rất nghèo khổ, lận đận trong công việc, mãi cũng không xin được việc hoặc làm thời gian ngắn thì bị đuổi. Một hôm, người này đến gặp vị Thiền sư để hỏi về nguyên nhân cuộc sống vì sao lại long đong, lận đận như thế. Vị Thiền sư là bậc Thánh Tăng đắc đạo mới nói rằng: “Nhân duyên trong tiền kiếp của ngươi không có gì lạ. Đó chính là tâm vô ơn của ngươi đối với người đã giúp đỡ mình, với bậc bề trên của mình”.
Trong một tiền kiếp trước, anh ta làm nghề kéo xe tay chở người. Vì chịu khó nên thường được ông chủ giao việc. Hôm đó, người chủ giao cho anh đi kéo xe cho vị quan đang có việc gấp. Trên đường đi, anh ta làm quen được với vị quan, lại nhờ được ông quan giúp đỡ cho một chỗ làm tốt, mức lương tốt, công việc nhàn hạ, không làm việc kéo xe nữa. Tuy nhiên, khi có được việc làm mới, anh ta đã dứt áo đi ngay, không nói lời từ biệt, cảm ơn với ông chủ quản lý của mình ngày xưa. Do với tâm vô ơn không nghĩ đến công lao của ông chủ cũ đã giúp cho anh ta chuyển nghề, được làm ở nơi tốt nên hiện tại anh bị quả báo như vậy.
Trong một tiền kiếp khác, anh ta là một vị trưởng giả giàu có, nhưng chưa có danh phận nên đã nhờ người mối lái cho mình một chức quan. Mối lái thì phải mất tiền nhưng anh ta không trả tiền ngay và hứa khi nào anh nhận chức sẽ trả tiền cho ông mối này. Thế nhưng, sau khi anh ta được bổ nhiệm chức quan rồi thì lại trở mặt, quỵt không trả tiền người đã giúp mình.
Do nhân duyên này, anh ta bị quả báo là bị cản trở trên con đường sự nghiệp. Trong kiếp quá khứ kia phải làm người kéo xe do gieo hai nhân:
- Thứ nhất, do quỵt tiền nên anh làm nghề không ổn định, phải làm nghề kéo xe, làm người hầu kẻ hạ cho người khác, kéo xe lấy sức mà trả nợ cho người ta.
- Thứ hai, anh không thể có công danh vì khi anh được làm quan, anh lại vô ơn với người giúp đỡ mình, bội bạc với việc này. Khi anh làm quan anh ở trên bao nhiêu người, bây giờ anh phải ở dưới cho người ta cưỡi lên lưng anh.
Trong Pháp giới này, chúng ta thấy nhân duyên trùng trùng điệp điệp, việc này làm nhân cho việc kia, rồi lại làm duyên cho việc khác. Cho nên, chúng ta hiểu được lý nhân duyên quả là thấu được đạo, nhưng không phải ai cũng hiểu được dễ dàng.
Thứ nữa, chúng ta nhớ mình là đệ tử Phật thì dù ai giúp mình một giọt nước, mình cũng phải nhớ. Công người ta giúp mình dù nhỏ như hạt bụi thì mình cũng phải tri ân. Đức Phật dạy rằng, người ta làm ơn thì mình phải nhớ, mình thi ân (giúp đỡ) cho người thì mình phải quên. Đó mới là đức của người con Phật.
2. Bị quả báo ác vì mắng bạn là “con đĩ”
Trong kinh Phật có câu chuyện: Ba cô gái đi vào chùa, hai cô vào trước nhìn thấy một bãi phân ở ngay trước cổng chùa, nhưng lại nhắm mắt mặc kệ đi qua. Cô gái thứ ba đi từ sau đến nhìn thấy bãi phân, bèn nhìn hai cô bạn đi trước và chửi đổng: “Hai con đĩ kia, nhìn thấy bãi phân thế này mà không biết dọn à”. Mắng xong, cô đi lấy xẻng và chổi dọn dẹp bãi phân.
Vì gieo nhân vô trách nhiệm, không có tâm kính Phật, thấy phân mà không dọn, làm ô uế cảnh chùa nên kiếp sau khi tái sinh làm người hai cô này bị dung sắc rất xấu xí. Còn người thứ ba do công đức dọn bãi phân ở cổng chùa nên tái sinh trở thành một cô gái rất xinh đẹp, nhưng lại chịu quả báo làm gái lầu xanh do trong quá khứ mắng hai cô bạn kia là “con đĩ”. Cho nên, chúng ta thấy nhân quả không bỏ qua một ai và bất kỳ hành vi nào. Mỗi lời nói, việc làm, suy nghĩ của chúng ta đang là gieo nhân, khi đủ duyên sẽ trổ thành quả, vì vậy, chúng ta phải hết sức cẩn trọng.
3. Cùng làm việc ác, cùng chịu quả báo
Trong kinh Pháp cú kể câu chuyện có năm vị Tỳ-kheo, trên đường về thăm Đức Phật thì ghé qua một bản làng để khất thực, sau đó vì đã muộn nên các thầy xin được nghỉ lại ở trong một hang núi bên cạnh bản.
Nửa đêm hôm đó, một trận động đất xảy ra khiến một tảng đá lớn ở trên núi lăn xuống và bịt kín cửa hang, nơi các thầy đang nghỉ. Người dân trong làng biết chuyện, liền dùng mọi phương tiện đẩy hòn đá đi mà không được. Ở trong hang, năm thầy cũng không có cách nào để ra được nên đành chấp nhận chịu chết.
Đến ngày thứ bảy, một cơn địa chấn xảy ra khiến hòn đá tự lăn đi, rời khỏi hang. Lúc này, cả năm thầy lò dò đi ra, mặt mũi ai nấy đều xanh mét. Dân làng nghe tin rất mừng, họ liền đón các thầy về chăm sóc. Sau khi hồi phục sức khỏe, các thầy lại lên đường về thăm Đức Phật.
Khi gặp Đức Phật, năm thầy đã kể lại hành trình của mình, sau đó lại thỉnh bạch Đức Thế Tôn nói về nhân quả của việc hòn đá chặn hang khiến năm thầy suýt mất mạng.
Đức Phật dạy: Trong tiền kiếp, năm thầy là năm chú bé chăn trâu. Hôm đó, sau khi thả trâu ra ngoài đồng, năm chú bé đi chơi, nhìn thấy một con rắn mối chạy qua nên cùng rủ nhau bắt con rắn mối. Khi con rắn mối chui vào cái hang nhỏ, vì không bắt được con rắn nên các chú bé đã lấy hòn đá bịt cửa hang lại.
Đúng một tuần sau, lúc đi chăn trâu qua chỗ này, các chú mới nhớ ra tuần trước mình đã nhốt con rắn mối trong hang này. Năm chú bé liền đẩy hòn đá, thả con rắn đi. Khi ra khỏi hang, con rắn run rẩy, gầy tong teo nên các chú bé liền thương xót, không giết nữa mà thả nó đi.
Đức Phật dạy năm vị Tỳ-kheo: Do năm thầy cùng nhau tạo ác nghiệp trong tiền kiếp, nhốt con rắn vào trong hang nên kiếp này các thầy cũng bị nhốt trong hang để cùng chịu quả báo này. Nếu con rắn ấy chết thì kiếp này, năm thầy cũng phải chịu chết trong hang.
Câu chuyện này cho chúng ta một bài học nhân quả: Nếu cùng tạo tác một ác nghiệp nào đó thì đến khi trả quả, chúng ta cũng sẽ trả quả. Về thời gian, cũng diễn ra tương tự như vậy.
4. Bị đọa 500 kiếp làm chó chỉ vì nói lời chê bai bậc chân tu
Trong nhà Phật kể câu chuyện một chú Sa-di chê trách một vị Tỳ-kheo tụng kinh giống như con chó sủa. Thế nhưng vị Tỳ-kheo là người đã chứng Thánh quả, Ngài nói với chú Sadi: “Chú hãy sám hối ngay, không thì với nghiệp ác này, chắc chắn chú phải đọa địa ngục!”. Chú Sa-di sợ quá, quỳ sụp xuống, sám hối vị Tỳ-kheo. Sau khi sám hối xong, vị Tỳ-kheo nói: “Tội địa ngục của chú thoát rồi nhưng còn dư nghiệp thì phải chịu 500 kiếp làm chó”.
Tuy chỉ là lời nói, chưa chém giết ai nhưng lại bị mắc nghiệp tội nặng như vậy. Cho nên, lời nói ra có khi khiến mình được phúc báu hoặc bị tổn hao phúc báu. Vậy nên, về nhân về quả, chúng ta phải rất cẩn trọng từ lời nói, việc làm để chúng ta biết giữ gìn, bảo tồn phước báu cho mình. Chúng ta phải chăm học, chăm tu thì mới hiểu được; còn không tu, không học, làm bừa sẽ mất hết phước báu.
5. Quả báo việc ác hại Phật Pháp của vua Chu Vũ Đế
Theo sử sách Trung Quốc, vào thời Nam Bắc triều, Phật giáo ở Bắc Chu và Bắc Tề đều rất hưng thịnh. Sau khi lên ngôi vua ở Bắc Chu, vua Chu Vũ Đế khởi ý nghĩ: “Người xuất gia là không có tài sản, không lao động lại không phải nộp thuế má, làm giảm thiểu đi thu nhập tài chính của quốc gia, ảnh hưởng đến đại nghiệp thống nhất thiên hạ”. Sau đó, ông mới hạ chiếu, đoạn dứt Phật giáo cho đến đạo giáo, tượng thờ, kinh sách đều phải tiêu hủy, bãi bỏ sa-môn (tức là các vị Tăng Ni), lệnh cho tất cả vị đạo sĩ phải hoàn tục.
Nhiều nơi tượng Phật bị nung chảy, kinh thư bị đốt bỏ, tháp Phật bị phá hủy, chùa chiền trở thành nơi ở của kẻ phàm tục, toàn bộ Tăng Ni bị bắt buộc phải hoàn tục làm dân thường. Và lúc này, có không ít Tăng nhân đã lên kinh thành để bảo vệ Phật Pháp, trình bày lẽ phải trái với Chu Vũ Đế nhưng đều bị nhà vua đàn áp, đuổi đi.
Đến năm 557, sau khi Chu Vũ Đế tiêu diệt nước Bắc Tề thì ông lại ban bố một chiếu lệnh là loại trừ Phật giáo ở nước Bắc Tề khiến toàn bộ chùa miếu bị thiêu hủy. Khi đó, Ngài Hòa thượng Huệ Viễn (vị Tổ sư của Pháp môn Tịnh Độ) đã lớn tiếng lên án hành vi bạo ngược, lại khuyên răn vua Chu Vũ Đế nhưng nhà vua không nghe, vẫn ngang nhiên diệt Phật Pháp.
Kết quả là hơn bốn vạn ngôi chùa ở Bắc Tề trở thành phủ của các vương tôn quý tộc, hết thảy kinh Phật, tượng Phật đều bị phá hủy, Tăng Ni bị bắt hoàn tục, tài sản trong chùa bị đưa vào quan phủ.
Không lâu sau đó, vua Chu Vũ Đế tự nhiên mắc một bệnh rất kỳ quái, toàn thân nổi mụn lở loét, không có thuốc gì chữa được. Vua Chu Vũ Đế chết rất thảm, con ông lên nối ngôi thì ba năm sau cũng bị diệt, nhà Tùy lên thay thế nhà Chu.
Qua các câu chuyện trên, mong rằng quý vị và các bạn hiểu được nhân và quả là có thật. Từ đó chúng ta nên tin sâu nhân quả, luôn tinh tấn tu tập Phật Pháp tu dưỡng bản thân và gieo trồng những hạt giống thiện lành để không phải nhận quả báo xấu sau này.