Tỉa chân nhang đúng cách và quan niệm sai lầm cần tránh
Câu hỏi về việc tỉa chân nhang:
Kính bạch Thầy!
Nhà con không dám xê dịch, di chuyển bát hương. Gia đình thắp hương cả năm nhưng đến ngày 23 tháng Chạp mới được tỉa chân hương. Con rất thắc mắc vì sao cứ đến ngày ấy mới được tỉa chân hương ạ? Nếu con muốn tỉa vào những ngày khác thì có sợ động bát hương không ạ? Và chân hương cũ thì nên xử lý như thế nào ạ? Con xin cảm ơn Thầy ạ!
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trả lời:
Kính thưa quý Phật tử!
Cách tỉa chân nhang và xử lý chân nhang cũ
Chúng ta có thể tỉa chân nhang ở bát hương trong gia đình mình thường xuyên được, chứ không cần đợi đến ngày ông Công ông Táo mới tỉa. Khi chân nhang đầy, nó rất dễ cháy, thậm chí có thể gây ra hỏa hoạn. Vì thế, chúng ta nên thường xuyên tỉa chân nhang và để lại 3 chân nhang là được. Còn những chân nhang đã tỉa rồi, chúng ta đem hóa, đốt lấy tro bón vào gốc cây như bình thường.
Việc tỉa chân nhang thường xuyên có làm động bát hương?
Trong đạo Phật, việc tỉa chân nhang thường xuyên không làm động bát hương. Bởi bát hương cũng giống như một cái sim điện thoại làm cầu nối cho mình với thế giới tâm linh. Cho nên, nếu trong gia đình nào không có bát hương thì cũng không sao. Nhưng có bát hương trong nhà khiến gia đình rất ấm cúng. Khi chúng ta đứng trước bát hương, chúng ta cảm thấy linh thiêng và gần gũi với thế giới tâm linh.
Vậy nên, việc lau chùi, tỉa chân nhang ở bát hương là bình thường, chúng ta nên thường xuyên làm mà không cần lo sợ làm động bát hương.