Phật hoàng Trần Nhân Tông - Sư Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Kính thưa quý vị!
Đức vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, đến năm 41 tuổi, Ngài xuất gia tu hành, trở thành một vị Thiền sư lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, Ngài là Tổ Sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hay còn gọi là Sơ Tổ - người sáng lập ban đầu. Khi tu hành, Ngài đã kết hợp 3 dòng thiền Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Tỳ-ni-đa-lưu-chi có từ trước thời nhà Trần trong dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ kết hợp 3 dòng thiền đó, mà còn kết hợp cả Nho giáo, Lão giáo cùng Phật giáo. Cho nên, gọi là Tam giáo đồng nguyên. Điều đó rất hay, nói lên tinh thần hòa hợp của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi đã khéo dung hợp tất cả tôn giáo lúc này về một dòng thiền.
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông xứng đáng là một vị minh quân, một anh hùng, một nhà văn hóa của dân tộc. Khi còn trị vì đất nước, Ngài đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông. Cho nên Ngài thực sự là một vị anh quân rất cao quý. Trong Phật giáo, Ngài cũng được tôn là Phật. Vì với Phật giáo, ai mà giác ngộ được minh tâm, kiến tính của mình thì người đó được coi là thành Phật. Cho nên, chúng ta tôn Ngài thành Phật cũng rất xứng đáng. Một vị vua mà đi tu thành Phật là một điều rất hiếm có. Chúng ta rất tự hào là môn đồ của Ngài, thuộc dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong chương trình “Nói chuyện với hội doanh nghiệp doanh nhân họ Trần Việt Nam”