Lời di giáo của Đức Phật - lấy chính Pháp làm nơi nương tựa
Kính thưa đại chúng!
Trong pháp giới nhân duyên này, không một cái gì tự mình thành tựu được. Chúng ta đều phải nương tựa vào rất nhiều nhân duyên để thành tựu. Đây là mối quan hệ giữa tự lực và tha lực. “Tự lực” tức là về phía mình, “tha lực” là sự hỗ trợ từ bên ngoài. Hai phần này phải tương tác với nhau thì các sự mới thành. Nếu chỉ có tha lực mà không có tự lực, hoặc ngược lại chỉ có tự lực mà không có tha lực giúp đỡ thì đều không thể thành tựu được sự việc. Đức Phật dạy chúng ta phải tự mình cố gắng nhưng cũng phải nương tựa vào ngoại duyên.
Đức Phật của chúng ta, ngay sau khi đắc đạo vô thượng, Ngài vẫn còn khởi tâm muốn đi tìm một ai đó trên đời này để Ngài được y chỉ, nương tựa và đảnh lễ. Sau khi với thiên nhãn, huệ nhãn, Ngài xem xét thấy khắp thế gian, ở cõi trời và cõi người đều không có ai đầy đủ giới đức, tuệ đức, định đức như Ngài, cuối cùng Ngài quay về y chỉ và đảnh lễ Pháp (chính là chân lý) mà Ngài chứng được. Tâm của Ngài còn khiêm tốn như vậy. Còn nếu chúng ta mới nghe Phật dạy câu “hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào ai khác” đã vội vàng không cần nương tựa ai là chúng ta hiểu sai, chưa hiểu hết lời dạy của Đức Phật.
...Và Đức Phật cũng dạy chúng ta rằng: “Hãy lấy chính Pháp làm ngọn đèn, hãy lấy chính Pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác”. Vậy ai đem chính Pháp đến cho chúng ta? Chúng ta có Pháp nhưng cũng không thể tự tu được, phải nương nhờ sự trao truyền từ Đức Phật, đến Thầy tổ. Cho nên, trong một bài kinh, Đức Phật nói rằng: “Các ông hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi nhưng hãy đốt lên với chính Pháp”. Chúng ta giống như ngọn đèn có dầu có bấc, nhưng chưa có lửa nên đèn không thể sáng. Chúng ta phải mồi lửa chính Pháp của Phật vào ngọn đèn này, mồi đến khi nào bấc bén, lửa cháy thì chúng ta mới có thể tự mình tỏa sáng.
(Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong Pháp thoại “Lấy chính Pháp làm chỗ nương tựa”, nhân hướng tới kỷ niệm ngày Đức Phật nhập Niết Bàn.)