Tại sao bố thí lại là một pháp tu?
“Kính thưa đại chúng!
Tất cả các bậc Chính đẳng Chính giác đều phải tu viên mãn các công hạnh Ba-la-mật mới có thể thành Phật. Nếu không có công đức Ba-la-mật sinh ra từ việc thực hành các công hạnh Ba-la-mật thì không thể giác ngộ và không thể thành Phật được. Mà trong các công hạnh này, hạnh bố thí là đứng đầu. Cho nên, đã là đệ tử Phật thì việc đầu tiên là phải tập bố thí, phải biết cho ra, chứ không phải chỉ biết thu về cho mình.
Vậy, tại sao bố thí lại là một pháp tu? Vì thực hành bố thí, chúng ta sẽ được những lợi ích:
Thứ nhất: bố thí sẽ giúp chúng ta trừ bỏ tâm tham lam, bỏn xẻn. Khi tham lam, chúng ta muốn “vơ” về mình thật nhiều, “càng nhiều càng ít”, nhất là thời nay, lòng tham của con người rất lớn, bao nhiêu cũng không đủ. Cho nên, tập hạnh bố thí sẽ trừ bỏ dần được tâm san tham, keo xẻn, tiếc xót của chúng ta.
Thứ hai: bố thí giúp chúng ta buông bỏ dần tâm chấp trước, bảo thủ. Khi một người có tâm bố thí, người đó sẽ bớt được tâm chấp trước, bảo thủ.
Thứ ba: bố thí giúp tâm hồn chúng ta được rộng mở. Khi chúng ta thực hành pháp bố thí, cho được ai cái gì đó, chúng ta thấy tâm mình cởi mở hơn, hoan hỉ hơn. Các Phật tử thường đi làm từ thiện với các Thầy thì biết, khi đem những phần quà, những bát gạo, những hộp mỳ, những bộ quần áo,... biếu cho bà con nhân dân, tự nhiên thấy lòng mình hoan hỉ, tâm hồn rộng mở hơn. Còn keo tham thì làm tâm hồn chúng ta đóng lại, nhà Phật gọi là keo rít thì làm cho tâm mình đóng lại và khiến cho nó “chật chội” hơn.
Thứ tư: bố thí sẽ giúp tâm chúng ta được khinh an, nhẹ nhàng, thanh thản. Khi ta buông bỏ được cái gì, cho ai được cái gì, thì tâm ta được nhẹ nhàng, thanh thản. Đây là điều đặc biệt của việc bố thí.
Thứ năm: bố thí giúp tâm được hoan hỉ
Thứ sáu: bố thí giúp chúng ta thấy mình lớn hơn, có giá trị, có lợi ích cho chúng sinh và cho cuộc đời hơn. Vì thế, người sống ở trên đời nếu không biết cho ra bất cứ thứ gì thì người đó thật sự không đem lợi ích cho cuộc đời.
Tất nhiên, việc bố thí có rất nhiều dạng. Có những người cũng bố thí nhưng không phải với thiện tâm, mà vì cầu danh hay vì cầu một điều gì đó lợi cho mình nên mới bố thí. Người bố thí với tâm như vậy không được nhiều lợi ích, mà bố thí phải thật với cái tâm cho ra thì mới có những tác dụng và những điều lợi ích như trên.”
_Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong Pháp thoại: "Chuyện Bồ tát Vessantara bố thí vợ con"