Mấy ai sẵn lòng làm người "đi ngược dòng đời"?
Chúng ta tu tập thì dần dần phải đẩy tâm hồn mình lên mức cao thượng hơn. Bởi, tu tập là quá trình bỏ ác, hướng thiện, hướng thượng, hướng tới vô thượng Chính đẳng Chính giác (vô thượng là không còn điều gì cao hơn).
Nếu trong tâm chúng ta không khởi được niệm hướng thượng, mà chỉ biết làm thiện, rồi cầu phúc báo ở cõi nhân thiên, thì chúng ta vẫn còn trong vòng luân hồi sinh tử. Như trong kinh Phật đã dạy rằng, nếu chúng ta hành thiện để hưởng phước báo, thì vẫn là làm việc theo Ma vương. Vì kiếp này hành thiện, kiếp sau hưởng phước báo, hưởng phước báo rồi, kiếp sau nữa lại đọa lạc, thì vẫn là theo Ma vương. Vậy nên chúng ta phải hướng đến điều cao thượng, điều tối thượng thì chúng ta mới thoát khỏi luân hồi sinh tử và ra khỏi vòng tay của Ma vương.
Chúng ta làm sao phải nảy được ý niệm xuất trần, thưa đại chúng. Quý Thầy vẫn thường nói, nảy sinh được niệm xuất trần là rất khó, không phải dễ. Bởi chúng ta sinh ra làm người là cam chịu ngay: Sinh ra thì phải lớn lên, phải lấy vợ, phải đẻ con, phải nuôi con, rồi khi già thì phải chết. Ai cũng cam chịu như thế và cứ nghĩ như thế là “Tôi tròn kiếp người rồi”. Nhưng tại sao chúng ta không có ý nghĩ khác, xem có điều gì vượt hơn nữa không? Có thể sinh ra đời mà không lấy vợ không? Có đi con đường nào khác nữa không?
Như quý Thầy cũng gọi là nảy sinh ra “ý niệm ngược đời”. Phật gọi là “người đi ngược dòng đời” là thế! Còn mình thì cứ đi xuôi theo dòng đời. Thầy mong các Phật tử ở đây, làm sao nảy sinh được ý niệm đó mà đi “ngược đời” một chút.
Bởi vậy, khi chúng ta gặp được những duyên, những hoàn cảnh khiến bản thân khởi được ý tưởng xuất trần, ý tưởng đi “ngược dòng nhân thế” thì là điều rất đáng quý!
(Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong Pháp thoại: Kinh Mi Tiên Vấn Đáp | Phần 2.2 - Chuyện Về Đại Đức Na Tiên)