Đời sống sinh hoạt cõi ngạ quỷ hương linh
Trong bài kinh Chuyện ngạ quỷ ngoại bức tường (thuộc Kinh tạng Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh 3, Ngạ quỷ sự, phẩm Con rắn, Việt dịch: Hòa thượng Thích Minh Châu), Đức Phật nói bài kệ về cõi ngạ quỷ rằng:
“Chốn kia không có cấy và cày đâu,
Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào,
Buôn bán như đây đều chẳng có,
Cũng không đổi vật lấy vàng trao.”
Ở cõi ngạ quỷ cô hồn không hề có buôn bán, không hề có cấy trồng, không hề có trao đổi, chợ búa. Nên dù chúng ta có đốt tiền vàng thì các hương linh ở cõi ngạ quỷ, cô hồn cũng không mua sắm được gì.
Ở Hà Nội trước đây có chợ tên là Âm Phủ. Nhưng sự thật là dưới âm phủ không có họp chợ, buôn bán hay trao đổi. Bởi cõi ngạ quỷ là cõi hành khổ. Ở đó chỉ có đói khổ, kêu la, thiêu đốt, không có ngân hàng, không có tiêu tiền, không có mua sắm và không có chợ búa. Các Phật tử phải rõ ràng chuyện này nhé!
Bên kia thế giới, các hương linh nhờ vật cúng dường để dưỡng thân
“Bên kia thế giới các hương linh
Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh
Như nước đổ từ trên núi xuống
Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình.”
Đức Phật khẳng định rõ, bên kia thế giới, các hương linh nhờ vào vật chúng ta cúng dường Tam Bảo mà họ được dưỡng thân họ. Ngạ quỷ này là ai? Là cha mẹ hiện đời đã quá vãng, là cha mẹ nhiều kiếp quá khứ, là thân quyến ta nhiều đời, nhiều kiếp. Giống như tất cả các dòng sông chảy xuống đổ đầy đại dương, cũng như những gì người bố thí nuôi sống các vong nhân. Chúng ta bố thí, cúng dường đến Tam Bảo, làm các việc phước báu hồi hướng đến vong nhân thì các vong nhân này mới được thọ hưởng.
Các vong nhân chỉ biết trông ngóng con cháu làm phước cứu mình
“Những thân bằng quyến thuộc trong nhà,
Trước đã cho ta giúp đỡ ta,
Mong mọi người ban phần ngạ quỷ,
Nhớ công họ tạo thuở xưa xa.”
Nói ngạ quỷ nghe xa cách nhưng họ chính là tiên tổ của chúng ta, họ mong ngóng chúng ta vô cùng. Họ ngóng con ngóng cháu, những người có tâm, những người có đức, về chùa làm phúc hồi hướng cho họ để họ được bớt khổ. Họ biết mình là con của họ, hoặc con kiếp này hoặc con nhiều kiếp về trước. Vì ngạ quỷ có túc mạng thông giúp cho họ biết được điều đó còn chúng ta thì không. Giống như Vua Bình Sa làm lễ cúng nhưng ông không biết xung quanh hoàng cung bao nhiêu ngạ quỷ là thân quyến của ông ấy đang kêu gào, mong đợi ông ấy cúng dường, hồi hướng phước báu.
Sự khổ của địa ngục và ngạ quỷ rất thiêu đốt. Nếu ai có thiên nhãn, có túc mạng, nhìn thấy cha mẹ mình kiếp trước đang bị cái khổ của ngạ quỷ hành hạ thì sẽ thương xót khôn cùng. Bởi vậy, chúng ta nên báo hiếu đến cả cha mẹ trong cõi ấy.
(Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh trong Pháp thoại: Kinh ngạ quỷ ngoại bức tường với việc báo hiếu)