Tiết độ trong ăn uống sẽ được lợi ích - bài học từ con chó rừng
Kính thưa đại chúng!
Bài kinh “Học từ con chó rừng” nói lên một vấn đề mấu chốt, đó là việc thọ dụng thức ăn. Con chó rừng khi thấy vật thực, nó sẽ ăn ngay mà không phân biệt hay chê bai, chọn lựa. Chúng ta cũng nên tu hạnh này.
Người xuất gia phải biết thiểu dục tri túc, phải trở thành ruộng phước cho chúng sinh, xem vật thực chỉ là thức ăn để nuôi mạng sống, không đắm say vào nó mà quên đi sự nghiệp tu tập của mình. Khi đi khất thực, nếu người xuất gia không biết làm chủ tâm mình, mà chê bai, chọn lựa thức ăn thì sẽ làm mất tín tâm của thí chủ.
Ví dụ, người xuất gia tỏ thái độ chê bai khi thí chủ cúng đồ ăn không ngon, hoặc người xuất gia tham đồ ăn, thí chủ nhìn thấy sẽ thối tâm và mất niềm tin vào Tăng đoàn. Cho nên, trong việc thọ nhận vật thực, người xuất gia còn phải giữ tín tâm cho người tại gia. Đó là điều rất quan trọng.
Bài kinh nhắm tới người xuất gia là chính nhưng Phật tử tại gia cũng học được rất nhiều. Phật tử tại gia phải thực tập để biết làm chủ thức ăn, từ đó tiết độ trong ăn uống. Mỗi người đều biết tiết độ việc ăn của mình như vậy thì thế gian sẽ rất tốt.
Chúng ta có thể san sẻ thức ăn của mình cho người khác. Ví dụ, đáng lẽ chúng ta ăn 8 phần thì chỉ ăn 7 phần, còn một phần đem đi từ thiện, bố thí; như thế, chúng ta sẽ được thêm phước. Còn nếu chúng ta sống chỉ để ăn, sau dần bản thân sẽ hết phước.
Cho nên, tất cả đại chúng, nhất là Tăng Ni phải thực tập để tiết giảm, điều độ trong việc ăn uống. Khi chúng ta làm chủ dục về ăn sẽ giúp chúng ta tiến bộ rất nhiều trên con đường tu đạo. Thầy chúc đại chúng tinh tấn!
(Trích lời Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong pháp thoại: “Học từ con chó rừng - câu 213 kinh Mi Tiên Vấn Đáp”, ngày 30/5/Tân Sửu. Chương trình do chư Tăng Ni, Phật tử đang tu tập cấm túc tại chùa Ba Vàng và các Phật tử nội tỉnh Quảng Ninh từ những vùng không có dịch tham gia, thực hiện.)