Nhân duyên của bệnh tật: 03 việc nên làm để bệnh tật được chuyển hóa
Mục Lục [Ẩn]
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm sống chung với bệnh tật. Điều này nghĩa là, trong mỗi chúng ta, ai cũng phải đối diện với bệnh tật. Vì thế, tìm được phương pháp điều trị bệnh phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc điều trị y học, chúng ta cũng có thể tìm hiểu và ứng dụng thực hành lời Phật dạy để việc điều trị bệnh trở nên dễ dàng hơn.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ các nhân duyên của bệnh tật (nguyên nhân dẫn đến bệnh tật) và các phương pháp chuyển hóa bệnh tật theo lời Phật dạy.
Nguyên nhân khiến chúng sinh mắc nhiều bệnh tật
Bệnh tật trên thân thể chúng ta do nhiều nhân duyên tác động, trong đó có thể kể đến các nguyên nhân dưới đây:
1. Do thời tiết
Thời tiết thay đổi, khí trời đất bất hòa là một nguyên nhân sinh ra bệnh tật.
2. Do ăn uống
Nguyên nhân của bệnh tật cũng có liên quan đến việc ăn uống.
- Ăn uống không điều hòa: Ăn đủ thứ sơn hào hải vị, thức ăn chưa tiêu hóa đã ăn tiếp, thấy món ăn ngon là cố nhồi nhét thật nhiều khiến sinh bệnh.
- Ăn những món ăn được chế biến một cách đáng sợ, tàn nhẫn như: ăn sống óc khỉ, ăn bào thai con người,... Chúng ta nghĩ đó là những món bổ dưỡng nhưng thực chất lại không tốt cho sức khỏe. Về mặt tâm linh, việc ăn uống như vậy cũng khiến chúng ta sinh bệnh, trở thành người ác.
- Ăn phải những thức ăn bị nhiễm độc: Nhiều loại thực phẩm chúng ta chế biến hằng ngày như rau củ, tôm cua,… được nuôi trồng từ những vùng đất, sông hồ, ao rạch bị ô nhiễm, có hóa chất độc hại cũng là nguyên nhân để sinh ra bệnh.
3. Do ô nhiễm môi trường
Chúng ta sống chỉ biết sạch nhà mình, không quan tâm đến môi trường sống của cộng đồng; chất độc từ một số đơn vị kinh doanh không được xử lý đúng cách đã thải ra môi trường,... gây nên ô nhiễm môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật.
4. Do từng làm những việc ác
Có những bệnh là do quả báo từ các việc ác chúng ta đã gây tạo trong quá khứ. Trong lịch sử Phật giáo cũng ghi lại những câu chuyện có thật khẳng định điều này. Ví dụ Đức Phật kể về tiền thân của Tỳ-kheo Maha Pala trong Tích truyện Pháp cú, phẩm Song Yếu, bài kinh “Nếu con mắt ngươi làm hại ngươi, hãy móc bỏ nó đi”.
Câu chuyện được tóm lược như sau: Trước sự thắc mắc của các Thầy Tỳ-kheo: vì sao Tỳ-kheo Maha Pala đã chứng A La Hán rồi mà vẫn còn bị mù, Đức Phật bắt đầu kể chuyện tiền thân của trưởng lão Maha Pala.
Khi đó Maha Pala là một thầy thuốc rất giỏi. Một lần nọ, ông gặp một người đàn bà mù. Bà hứa hẹn nếu ông chữa được đôi mắt bà sáng và khỏe mạnh lại như xưa thì bà cùng tất cả con trai, con gái đều sẽ đến để hầu hạ ông.
Quả nhiên, chỉ sau một lần dùng thuốc, đôi mắt người đàn bà sáng trở lại. Nhưng lúc đó, bà ta lại nghĩ cách bội hứa. Bà ta làm ra vẻ khổ sở nói rằng: mắt trước đây đau ít, bây giờ đau dữ dội hơn. Ông thầy đoán ngay được ý đồ người đàn bà muốn lừa mình để quỵt tiền công chữa bệnh, nên đã tức giận chế thuốc khiến bà mù vĩnh viễn.
Ông thầy thuốc do duyên này mà tái sinh sang các kiếp sống sau cũng đều bị mù. Trong kiếp sống sau cùng này, ông được sinh ra làm người và đi xuất gia, sau đó, tu hành rất tinh tấn và chứng Thánh quả. Nhưng đúng vào đêm chứng Thánh quả thì cũng là lúc đôi mắt ông bị mù không thể chữa được. Mù là do quả báo của việc làm bất thiện trong quá khứ.
Xem thêm: Pháp thoại: "Nếu con mắt ngươi làm hại ngươi, hãy móc bỏ nó đi"
Ngoài ra, trong kinh “Nghiệp báo sai biệt”, Đức Phật còn dạy có 10 việc làm bất thiện, khiến chúng ta bị quả báo nhiều bệnh tật, gồm:
- Vui thích đánh đập tất cả chúng sinh;
- Khuyên người đánh đập chúng sinh;
- Khen ngợi việc đánh đập;
- Thấy người bị đánh đập, tâm sinh vui mừng;
- Não loạn cha mẹ (làm cho cha mẹ đau khổ), khiến họ sinh tâm lo buồn;
- Não loạn Hiền Thánh;
- Thấy kẻ thù bệnh khổ, tâm sinh hoan hỷ;
- Thấy kẻ thù hết bệnh, tâm sinh không vui;
- Với kẻ oán thù bị bệnh, cho thuốc điều trị khiến họ không hết;
- Ăn đêm không tiêu, lại ăn thêm nữa.
5. Do phi nhân làm hại
Những trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh, đau đớn nhưng đi khám không ra bệnh thì có thể là do phi nhân (quỷ thần, hương linh,...) tác động.
Kinh Phật cũng đã nhiều lần nhắc đến sự tương tác của các chúng phi nhân đến dịch bệnh của con người, như trong kinh “Vesāli thiên tai, dịch họa”. Bài kinh nói về nạn dịch bệnh trầm trọng xảy ra tại kinh thành Vesāli. Trước tình hình đó, hội đồng tướng lĩnh các tiểu bang ở đây cấp tốc hội họp, khẩn cầu Đức Phật giải họa.
Đức Phật đã nói cho các đại đệ tử nghe ba nguyên nhân gây nên thảm họa này là do thời tiết nắng nóng khô hạn, ác pháp phát sinh từ những người lãnh đạo và chư Thiên, thiện thần, thiện dạ-xoa bỏ đi, ác dạ-xoa lộng hành quậy phá làm khổ dân chúng.
Trong kinh Địa Tạng, phẩm thứ 8 cũng có nói đến rất nhiều quỷ vương như: Ác Độc Quỷ Vương, Đa Ác Quỷ Vương, Đại Tránh Quỷ Vương, Huyết Hổ Quỷ Vương, Đạm Thú Quỷ Vương, Chủ Hao Quỷ Vương, Chủ Họa Quỷ Vương, Chủ Thực Quỷ Vương, Chủ Mệnh Quỷ Vương, Chủ Sản Quỷ Vương, Chủ Tật Quỷ Vương,… Như vậy, có rất nhiều loại quỷ cũng có thể tạo ra bệnh tật.
6. Do sát sinh
Một trong những nguyên nhân của bệnh tật là việc sát sinh. Như trong kinh Nhân quả, Phật dạy:
“Đời xưa ngược đãi súc sinh,
Đánh, lôi, giết, chẳng nể tình si mê,
Kiếp này chốc ghẻ nan y,
Hắc lào, phong hủi ê chề hám hôi”
Sát sinh thường đem đến quả báo bệnh tật và đoản thọ. Nếu không sát sinh mà cứu người, phóng sinh cứu vật thì chúng ta được phước báu khỏe mạnh, sống lâu, khi thức, lúc ngủ đều bình an.
Trong kinh “Nghiệp báo sai biệt”, Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh có liên quan với nghiệp, nương tựa nơi nghiệp, theo nghiệp của mình mà lưu chuyển. Do nhân duyên này nên có chia ra thượng, trung, hạ; sai khác nhau chẳng đồng. Hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo mạng sống dài lâu; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo nhiều bệnh tật, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tật”.
Qua những lời kinh Phật dạy, chúng ta biết, bệnh tật đều xuất phát từ nhân duyên, nghiệp quả của chúng sinh. Tất cả những nhân duyên của bệnh tật nói trên cũng đều thuộc nhân, duyên, nghiệp quả của chúng sinh. Nếu đầy đủ thiện nhân duyên, phúc báu thì chúng ta rất ít khi bị bệnh tật.
Cách chuyển hóa bệnh tật theo lời Phật dạy
Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ, bài “Tu Đạt khuyên bạn thỉnh Phật”, có câu chuyện về ông trưởng giả Hiếu Thí. Mặc dù lâm trọng bệnh nằm liệt giường nhưng ông khăng khăng dầu chết cũng không chịu trị bệnh. Bạn của ông là trưởng giả Tu Đạt đã khuyên ông thỉnh Phật đến giảng kinh, chú nguyện, biết đâu nhờ phúc thỉnh Phật, căn bệnh lâu ngày của ông sẽ thuyên giảm.
Trưởng giả Hiếu Thí đồng ý nên trưởng giả Tu Đạt đã thỉnh Phật và Tăng chúng. Đức Phật đến trước Hiếu Thí, ngồi xuống, an ủi thăm hỏi và khuyên ông 03 việc nên làm để chuyển hóa bệnh tật, sống an lành, không bị chết oan. Đó là phải sáng suốt hiểu đạo, tùy thời trị liệu cho được an ổn. Cụ thể như sau:
1. Tứ đại bất hòa nóng lạnh thì cần y dược (Tứ đại là bốn chất lớn hợp thành thân xác chúng ta là: đất, nước, gió, lửa).
2. Bị tà ma nhiễu loạn thì cần tu niệm kinh giới.
3. Phụng thờ các bậc Hiền Thánh, thương yêu cứu giúp khổ nạn chúng sinh, đem oai thần phước đức bảo bọc quần sinh, dùng đại trí tuệ diệt trừ ấm cái.
Sau khi Phật thuyết xong, trưởng giả Hiếu Thí liền hiểu ra và cho mời lương y đến trị bệnh cũng như chuyên tâm tu học đạo. Nhờ vậy, tứ đại điều hòa, bệnh tật không còn, thân tâm khoan khoái, an định, ông Hiếu Thí đắc quả Tu Đà Hoàn.
Như vậy, khi có bệnh, chúng ta nên đi thăm khám và chữa trị theo các phương pháp y học và kết hợp với việc tu tập Phật Pháp, thực hành lời Phật dạy. Nhờ đó mà phúc lành tăng trưởng, hỗ trợ cho việc chữa bệnh theo y học trở nên dễ dàng hơn.
Về tu tập Phật Pháp, chúng ta có thể thực hành như sau để chuyển hóa bệnh tật:
- Tích cực sám hối, tức là ăn năn, day dứt những lỗi lầm, việc ác đã gây tạo trong quá khứ; từ nay xin chừa và không tạo những tội lỗi, việc làm đó nữa.
- Tu tâm từ bi, yêu thương, bảo vệ, che chở và trân quý sự sống của muôn loài. Đặc biệt, giữa con người với con người, chúng ta cần phải giúp đỡ nhau. Như vậy, chúng ta sẽ có được sức khỏe, thọ mạng.
Chúng ta tu tâm từ bi bằng cách thấy những người khổ như chính mình đang khổ, thấy những con vật bị giết như chính mình bị giết. Khi thấy như vậy, mình sẽ từ bi, thương những con người và con vật đó, tâm rộng mở hơn và dần không làm việc ác nữa.
Mong rằng, qua lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử hiểu rõ được những nhân duyên khiến chúng ta bị bệnh tật; từ đó biết cách tu tập để chuyển hóa bệnh tật của bản thân cũng như lan tỏa yêu thương để xã hội ngày càng an lành, tốt đẹp.
Nếu còn điều gì thắc mắc, các bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!