Làm sao giữ tâm bình an giữa đại dịch COVID-19 theo góc nhìn đạo Phật?
Mục Lục [Ẩn]
- Cách tư duy, quán chiếu về đại dịch COVID-19
- Nhận diện đại dịch COVID-19 là “khổ chồng khổ”
- Xác định dịch bệnh COVID-19 là nỗi khổ chung của thế giới
- Nền kinh tế giảm sút nên cuộc sống sẽ bị khó khăn
- Tư duy đến trường hợp xấu nhất có thể xảy ra đó là bản thân bị nhiễm COVID-19
- Cách thực hành để giữ tâm bình an
- Tuân thủ nghiêm túc những quy định của Nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh
- Tụng kinh Tam Bảo
- Tu tập thiền định
- Phát khởi tâm Bồ đề
Đất nước ta lại một lần nữa phải “gồng mình” để chiến đấu với nạn dịch COVID-19. Đợt dịch này kéo dài hơn, diễn biến phức tạp hơn và mức độ ảnh hưởng cũng lớn hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi chúng ta phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn hơn trong cuộc sống. Xã hội giãn cách, số ca mắc tăng cao, dịch vụ dừng hoạt động, nhiều người nghỉ việc, kinh tế bị trì trệ và cuộc sống xáo trộn đã khiến nhiều người bất an, hoảng sợ và rơi vào trạng thái tiêu cực.
Vậy làm thế nào để giữ tâm bình an vượt qua đại dịch? Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh theo góc nhìn của đạo Phật qua bài viết dưới đây!
Cách tư duy, quán chiếu về đại dịch COVID-19
Khi gặp hoạn nạn, khó khăn thì hầu hết chúng ta đều hoảng hốt, dao động, bất an, sợ hãi. Những ai giữ tâm được định tĩnh, an ổn tức là những người đó phải có sự rèn luyện, tu tập, quán chiếu, tư duy. Trước nạn dịch COVID-19 chúng ta nên tư duy và quán chiếu như sau:
Nhận diện đại dịch COVID-19 là “khổ chồng khổ”
Đức Phật có dạy đời là biển khổ. Trong bài Pháp đầu tiên mà Đức Phật thuyết giảng cho 5 anh em ông Kiều Trần Như, Ngài dạy thế gian có 8 nỗi khổ lớn và vô số nỗi khổ nhỏ. Tám nỗi khổ lớn đó là: sinh, già, bệnh, chết là khổ; yêu nhau phải xa, ghét nhau phải gặp mặt, cầu mong không được toại ý là khổ và thân ngũ ấm xí thịnh là khổ.
Đạo Phật cũng chia các nỗi khổ thành 3 loại: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Vậy nên thế gian này là khổ và chúng ta đang sống trong biển khổ.
Không có dịch bệnh chúng ta đã khổ vì cơm áo gạo tiền, mối quan hệ giữa vợ chồng con cái, sức khỏe, công danh sự nghiệp,... Và những nỗi khổ ấy chưa được giải quyết thì chúng ta lại phải gánh chịu thêm rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra.
Những nỗi đau về tinh thần lại tăng thêm khi biết bao gia đình phải chia ly, vợ xa chồng, con xa mẹ, xa cha; thậm chí là trước lúc chết còn không thấy mặt nhau. Những nỗi lo về kinh tế khi nhiều người đang đứng trước nguy cơ mất việc.
Vậy nên tư duy từ lời Phật dạy, chúng ta có thể hiểu rằng hoàn cảnh thế giới hiện đang phải đối mặt chính là khổ - khổ (tức khổ chồng khổ).
Xác định dịch bệnh COVID-19 là nỗi khổ chung của thế giới
Chúng ta phải quán chiếu rằng, đây là nghiệp chung của toàn nhân loại. Nỗi khổ do dịch bệnh COVID-19 gây ra không phải của riêng cá nhân hay gia đình, quốc gia nào.
Nền kinh tế giảm sút nên cuộc sống sẽ bị khó khăn
Đại dịch COVID-19 gây nên nhiều hậu quả nặng nề đến kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy nên chúng ta phải xác định, trong tình hình dịch bệnh như hiện tại thì cuộc sống sẽ phải khó khăn, vất vả. Nhưng chúng ta không sợ hãi, bất mãn mà chúng ta có thể nhớ tới tấm gương Đức Phật, các vị Thánh Tăng, các vị Sư Tổ về việc thực hành hạnh thiểu dục tri túc.
Và thực tế tại chùa Ba Vàng, các chư Tăng ngày chỉ ăn một bữa, tài sản cũng chỉ có ba y và một bình bát, ngủ dưới gốc cây. Thế nhưng các Thầy vẫn miên mật tu tập hạnh đầu đà để làm lợi lạc cho chúng sinh. Cho nên, một trong những yếu tố để tâm an ổn là cố gắng nhẫn chịu để vượt qua khó khăn.
Tư duy đến trường hợp xấu nhất có thể xảy ra đó là bản thân bị nhiễm COVID-19
Điều này giúp chúng ta dễ dàng tiếp nhận hơn khi sự việc đó đến với mình. Chúng ta nên quán chiếu tất cả hoàn cảnh để thấy được thân này vô thường, xả thân này thì lại tiếp tục thọ thân khác. Nếu chúng ta mắc phải dịch bệnh, có thể phải bỏ thân này nhưng trong niệm giác ngộ thì chúng ta sẽ đi tới cảnh giới an lành, không chịu đau khổ và có thể cảnh giới đó còn hạnh phúc hơn cảnh giới hiện tại.
Cách thực hành để giữ tâm bình an
Theo quan điểm của đạo Phật, chúng ta biết rằng con người là tác nhân tạo nghiệp. Sự biến đổi của thế giới là kết quả của nghiệp hay còn gọi là quả báo của chúng ta. Thế giới tốt đẹp hay đau khổ đều do từng ý nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta tạo nên. Nếu chúng ta tu tập, thực hành, tạo các nghiệp thiện thì sẽ tạo nên một thế giới tốt đẹp. Vậy nên, để nhận những “quả tốt đẹp”, chúng ta nên:
Tuân thủ nghiêm túc những quy định của Nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh
Thực hiện 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu như trong khuyến cáo của Bộ Y tế thì chúng ta nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời.
Tụng kinh Tam Bảo
Đức Phật là bậc cứu khổ cho nhân gian, mọi loại đau khổ Đức Phật đều có phương pháp hướng dẫn cho mọi người hết khổ. Trong kinh Tam Bảo, khi kinh thành Vesali bị nạn dịch, khiến chết vô số người, Đức Phật đã chỉ dạy Ngài A-nan cùng Tăng đoàn đi quanh kinh thành Vesali 3 vòng, vừa đi vừa tụng kinh Paritta.
Sau khi chư Tăng đi xung quanh kinh thành tụng kinh Paritta, nạn dịch ở đây được đẩy lùi, những người mắc bệnh nhanh chóng được khỏi bệnh, nhân dân được sống an lành. Vậy nên, y lời Phật dạy trong duyên khởi kinh Tam Bảo (Châu Báu), tụng trì kinh Paritta với đầy đủ đức tin sẽ được sự cảm ứng hộ trì, chúng ta nên phát tâm tùy duyên tu tập, tụng kinh Paritta tán dương công đức Tam Bảo.
Tu tập thiền định
Nhà Phật có câu: “Tâm an vạn pháp an. Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Tức là trong những thời điểm nguy nan, chúng ta tĩnh được tâm thì sẽ vượt qua được nguy nan. Ngược lại, nếu rối tâm việc sẽ hỏng và xảy ra hậu quả nặng. Cho nên, Đức Phật dạy “chế tâm” giữ cho tâm an ổn một nơi thì “vô sự bất biện”, không sự gì không thành tựu. Mặt khác, chúng ta biết rằng thiền quán là phương pháp rất tốt để giúp tâm chúng ta được an định. Do đó, để tâm bớt lo lắng thì chúng ta nên dành thời gian tu tập, thiền định quán sát tâm.
Phát khởi tâm Bồ đề
Chúng ta phải phát khởi tâm Bồ đề, nỗ lực làm các việc thiện như phóng sinh, bố thí, cúng dường,... để tăng trưởng phước báu cho bản thân và gia đình. Bởi phúc báu là thứ che chở, bảo vệ chúng ta. Giống như nóng với lạnh, nóng ít thì lạnh sẽ nhiều, lạnh ít thì nóng sẽ nhiều; cũng vậy nếu phúc tiêu giảm thì tai họa rất dễ đến với chúng ta.
Cho nên, chúng ta phải thường xuyên tích lũy, làm giàu phúc báu cho mình. Nhờ đó chúng ta có thể được che chở, bảo bọc để vượt qua những tai họa, hiểm nguy cũng như giúp không gian xung quanh được chuyển hóa năng lực của tâm xấu thành tâm thiện, năng lực tâm linh không tốt trở thành năng lực tâm linh tốt.
Là người con Phật, chúng ta tin nhân quả, tích cực thực hành thiện pháp thì quả thiện sẽ đến với chúng ta. Mong rằng, qua những lời chỉ dạy của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử có thể bớt lo lắng trước đại dịch COVID-19.
Hy vọng từ sự thực hành, tu tập chân thật của quý Phật tử sẽ phát sinh những nhân duyên tốt đẹp để đẩy lùi dịch bệnh như thời tiết thuận lợi, các bác sĩ nghiên cứu ra thuốc trị bệnh, các nhà quản lý kiểm soát được dịch bệnh… để đất nước được bình an và hạnh phúc.