60
275

Bệnh béo phì: Nguyên nhân và cách khắc phục theo lời Phật dạy

Sức khỏe, 19/9/2021 21:16
60
275

Béo phì là bệnh lý nguy hiểm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Trong bài kinh “Vua Ba Tư Nặc vâng lời Phật dạy giảm ăn” có kể về vua Ba Tư Nặc, vì hay ăn uống no say không biết chán nên thân thể vua bị phì nộn. 

Thân thể to béo khiến vua Ba Tư Nặc rất đau khổ, đi đứng bất tiện nên ông đến bạch Đức Phật:

- “Bạch đức Thế Tôn, con không biết nghiệp tội gì mà thân thể tự nhiên phát phì. Nguyên do nào khiến như thế”.

Với lòng bi mẫn, Đức Phật đã chỉ ra các nguyên nhân gây bệnh béo phì và cách chuyển hóa bệnh để có sức khỏe tốt.
Vậy Đức Phật đã dạy vua Ba Tư Nặc ra sao?

Kính mời quý Phật tử cùng theo dõi sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết sau đây!

Vua Ba Tư Nặc đến bạch Đức Phật (ảnh minh họa)

Vua Ba Tư Nặc đến bạch Đức Phật (ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây bệnh béo phì

Đáp lời thỉnh cầu của vua Ba Tư Nặc, Đức Phật đã chỉ ra 5 nguyên nhân gây ra béo phì mà không ít người trong chúng ta đang mắc phải đó là:

Tham ăn

Nguyên nhân đầu tiên của bệnh béo phì là do tham ăn, ăn không kiểm soát và ăn nhiều lần trong ngày. Đặc biệt là trong những ngày lễ tết, khi đồ ăn thức uống đa dạng khiến mọi người khó tiết chế được việc ăn uống. Điều này dẫn đến việc tăng cân và gây nên bệnh béo phì.

Thèm ăn, ăn không kiểm soát, ăn nhiều lần trong ngày là 1 trong những nguyên nhân gây nên bệnh béo phì (ảnh minh họa)

Thèm ăn, ăn không kiểm soát, ăn nhiều lần trong ngày là 1 trong những nguyên nhân gây nên bệnh béo phì (ảnh minh họa)

Tham ngủ

Bên cạnh việc tham ăn, Đức Phật cũng chỉ ra nguyên nhân thứ hai là tham ngủ. Giấc ngủ tuy rất quan trọng với sự phát triển của cơ thể, nhưng nếu ngủ nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Thêm nữa, nếu chúng ta ăn nhiều mà lại ngủ nhiều sẽ khiến năng lượng không được tiêu hao dẫn đến cơ thể bị trì trệ, béo phì.

Thụ hưởng sung sướng, đầy đủ

Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến béo phì là do thụ hưởng sung sướng, đầy đủ. Trong thời đại ngày nay, công nghệ phát triển, nhiều tiện nghi sinh ra để phục vụ cho con người: máy giặt, máy hút bụi, ô tô, người máy giúp việc... Tuy nhiên, dù máy móc giúp con người tiết kiệm thời gian và công sức nhưng lại khiến con người trở nên lười biếng, thụ động. Do thiếu vận động nên cơ thể sinh nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh béo phì. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ người bị béo phì ở thành thị (nơi có tiện nghi hiện đại) thường cao hơn khu vực nông thôn.

Lười tư duy, suy nghĩ

Nguyên nhân thứ tư là lười tư duy, suy nghĩ, không lo nghĩ, không biết lo lắng cho cuộc sống, công việc. Những người luôn làm cho mình bận rộn với công việc, luôn tư duy về công việc thì họ sẽ ít có thời gian nghĩ đến việc khác. Ngược lại, những người không hay lo nghĩ cho công việc, để đầu óc trống rỗng thì họ sẽ nghĩ đến chuyện ăn uống, hưởng thụ; chỉ lo ăn uống thì cơ thể sẽ béo phì. Do đó, nếu bị béo phì bởi nguyên nhân thứ 4 thì chúng ta cần chấn chỉnh lại bản thân mình.

Quá nhàn rỗi

Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến béo phì như Đức Phật dạy, đó là do chúng ta để bản thân quá nhàn rỗi, không có việc để làm. Điều này rất đúng với câu ông cha ta hay nói: “Nhàn cư vi bất thiện”, nếu chúng ta quá nhàn rỗi thì tâm thường hay nghĩ đến những việc không tốt. Nhàn rỗi cũng có nghĩa là không vận động; nếu bản thân không làm việc, không hoạt động thì sức khỏe sẽ trì trệ, giống như máy móc không thường xuyên sử dụng sẽ rất nhanh hỏng. Như vậy, việc bản thân quá nhàn rỗi, lười biếng là không tốt cho cơ thể và trí óc của chúng ta.

Tác hại của bệnh béo phì

Béo phì không chỉ khiến chúng ta tăng kích thước vóc dáng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe.

Béo phì gây nên mặc cảm về ngoại hình, cản trở trong giao tiếp

Đầu tiên, béo phì khiến chúng ta hạn chế về ngoại hình. Béo không phải là xấu, nhưng phì sẽ khiến chúng ta không còn đẹp nữa. Béo phì không chỉ khiến chúng ta mất tự tin trong giao tiếp mà còn khiến chúng ta mất nhiều cơ hội khác trong công việc cũng như ảnh hưởng trong cuộc sống hằng ngày.

Béo phì khiến bạn tự ti, mặc cảm về ngoại hình (ảnh minh họa)

Béo phì khiến bạn tự ti, mặc cảm về ngoại hình (ảnh minh họa)

Béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật

Béo phì còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch. Theo đó, khi thân hình to ra, nếu lượng mỡ trong cơ thể quá nhiều sẽ chèn ép các mạch máu, làm cho quả tim vô cùng vất vả, dẫn đến suy tim, trụy tim. Béo phì cũng gây nên mỡ nhiễm máu, gây nên suy thận, tiểu đường… Đây là các chứng bệnh rất nguy hiểm và mức độ tử vong cao.

Chính vua Ba Tư Nặc cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của bệnh béo phì. Kể từ khi thân thể phát phì, ông đi đứng nằm ngồi khó khăn hơn. Trong bài kinh còn nói đến việc có lúc vua nằm chết ngất một lúc rồi sau mới tỉnh. Qua đó, chúng ta thấy rằng, bệnh béo phì khiến con người đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm, phức tạp và có thể đe dọa đến tính mạng của chúng ta bất cứ lúc nào.

Béo phì là nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch như suy tim, trụy tim (ảnh minh họa)

Béo phì là nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch như suy tim, trụy tim (ảnh minh họa)

Cách khắc phục bệnh béo phì theo lời Phật dạy

Trong bài kinh, Đức Phật đã dạy vua Ba Tư Nặc cách chuyển hóa căn bệnh béo phì như sau:

Ý thức bản thân phải tiết độ trong ăn uống

Đức Phật dạy vua Ba Tư Nặc:

“Phải luôn tự tỉnh giác
Khi ăn biết tiết độ
Giữ kham khổ đạm bạc
Sẽ gầy và sống lâu”.

Với bài kệ trên, Đức Phật dạy vua Ba Tư Nặc phải tự ý thức về chính mình, tỉnh giác, biết rõ trong tất cả việc làm, hành vi của chính mình. Ngài dạy vua khi ăn, uống phải biết tiết độ (có chừng mực). Người xưa có câu: “Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”. Bệnh từ miệng vào là do hai điều:

- Một là, cơ thể chúng ta không chỉ trao đổi với môi trường bên ngoài qua cái mũi để lấy không khí mà còn qua cái miệng để lấy thức ăn, nước uống.

- Hai là, nếu ăn quá nhiều và ăn phải thực phẩm không hợp vệ sinh sẽ khiến cơ thể chúng ta sinh bệnh. Do đó, chúng ta cần ý thức rõ hành vi ăn uống của mình. Thức ăn, nước uống là yếu tố tạo thành thể chất của chúng ta nên việc lựa chọn thực phẩm sạch, phù hợp với cơ thể là điều cần thiết, quan trọng.

Một câu chuyện vui trong nhà Phật kể về một người trần gian được dùng bữa cơm với các vị Trời. Trong bữa cơm, vị người trần rất ngạc nhiên khi thấy các vị Trời dùng đôi đũa dài (khoảng 50 - 60 cm) khác với người trần chỉ dùng đôi đũa dài khoảng 30 cm. Các vị Trời giải thích rằng, việc dùng đôi đũa dài là để họ gắp thức ăn cho người đối diện, khác với người phàm dùng đũa ngắn để dễ dàng gắp thức ăn vào bát của mình.

Câu chuyện đơn giản nhưng cảnh tỉnh chúng ta nên thay đổi thói quen ăn uống của mình. Thay vì chỉ chọn thức ăn ngon thì chúng ta hãy tập bố thí bằng cách gắp thức ăn cho người đối diện trước. Việc này không chỉ giúp chúng ta xả bỏ được tâm tham, tham ăn thức ăn ngon mà còn giúp chúng ta xây dựng thói quen tốt, tạo thiện nhân quả cho chính mình.

Tư duy về vô thường để điều phục thân

Quay lại câu chuyện vua Ba Tư Nặc, sau một thời gian dài thực hành nghiêm túc theo bài kệ Đức Phật dạy, thân thể ông đã bình thường lại, đi đứng dễ dàng hơn. Ông không cần sự giúp đỡ của người hầu nữa mà có thể tự mình đi bộ đến chỗ của Đức Phật.

Dịp này, Đức Phật dạy vua: “Người đời không biết lẽ vô thường, cứ đắm mình trong tình dục không biết làm phước. Khi chết thần thức ra đi, thân xác để nơi phần mộ. Vì vậy, người trí nuôi dưỡng tinh thần, kẻ ngu cung dưỡng huyễn thân. Nếu hiểu được lẽ này sẽ biết tu theo Thánh giáo”. “Vô thường” có nghĩa là mọi vật sẽ biến đổi, chịu quy luật sinh - diệt.

Thầy Thích Trúc Thái Minh giảng giải về cách khắc phục bệnh béo phì (ảnh minh họa)

Thầy Thích Trúc Thái Minh giảng giải về cách khắc phục bệnh béo phì (ảnh minh họa)

Điều đáng nói là nhiều người do không hiểu biết lẽ vô thường nên họ không biết sử dụng thời gian hợp lý, không biết làm phước, chỉ mải chìm đắm trong những ham muốn của chính mình. Mà họ quên rằng, mỗi con người đều có 2 phần: thể xác và tinh thần, hay gọi là thân và tâm. Khi chết đi, thần thức (phần tâm linh, tinh thần) ra đi, còn thể xác ở nơi phần mộ. Thể xác chôn dưới ba tấc đất rồi cũng sẽ tan rữa. Vậy nuôi dưỡng, cung chiều thân xác này có lợi ích gì?

Thế nên, Đức Phật dạy: Người có trí nuôi dưỡng tinh thần, còn kẻ ngu thì cung dưỡng huyễn thân. Nhà Phật coi thân xác chỉ là tạm bợ, còn chúng ta chú trọng phần thân xác mà quên mất con người thật của mình, đó chính là phần tinh thần. Tinh thần mới là điều chúng ta cần chú trọng vì nó sẽ theo mình sang những kiếp sau. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy những bậc vĩ nhân, anh hùng không phải là người có thân xác to lớn, họ được người đời ca ngợi bởi họ làm được những điều vĩ đại và vì họ có tinh thần lớn. Cho nên, người có trí lấy thân này làm phương tiện để rèn luyện tinh thần. Còn kẻ ngu không hiểu lẽ vô thường, chỉ lo cung phụng cho xác thân.

Vậy nên, hiểu được sự vô thường đó, chúng ta phải sống làm sao để cuộc đời mình thật sâu sắc, có giá trị, có ý nghĩa. Nhân lúc còn trẻ, có sức khỏe, chúng ta phải biết làm chủ bản thân mình, từ bỏ các thói quen xấu và rèn đức, luyện tài, trau dồi đức hạnh và trí tuệ để làm những việc có ích cho đời, đem lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Từ lời Phật dạy và lời giảng giải của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài kinh “Vua Ba Tư Nặc vâng lời Phật dạy giảm ăn”, chúng ta đã hiểu được nguyên nhân gây ra bệnh béo phì cũng như biết được cách khắc phục bệnh béo phì theo góc nhìn đạo Phật.

Mong rằng, qua lời giảng của Thầy, mỗi chúng ta đều tin sâu nhân quả, hiểu được sự thật về vô thường để từ đó biết sống tích cực, ý nghĩa hơn và sức khỏe tốt hơn.

Chúc quý Phật tử luôn tinh tấn và an lạc trong lời Phật dạy!

Bài liên quan
275
CHIA SẺ
Bình luận (60)

Đọc thêm

19 T5, 2023
19 T5, 2023
6 nhân duyên của bệnh tật và phương pháp chuyển hóa theo Phật giáo

Nhân duyên của bệnh tật có thể là do thời tiết, thói quen ăn uống, nghiệp báo từ tiền kiếp, phi nhân làm hại, sát sinh, tàn phá môi trường

75 32028

6 nhân duyên của bệnh tật và phương pháp chuyển hóa theo Phật giáo

13 T8, 2021
13 T8, 2021
Phương pháp giữ tâm bình an để vượt qua đại dịch COVID-19 theo góc nhìn đạo Phật

Nạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và mức độ ảnh hưởng cũng tăng cao. Vậy làm thế nào để giữ tâm bình an, vượt qua đại dịch?

15 3803

Phương pháp giữ tâm bình an để vượt qua đại dịch COVID-19 theo góc nhìn đạo Phật

12 T7, 2021
12 T7, 2021
Tiết độ trong ăn uống sẽ được lợi ích - bài học từ con chó rừng

Người xuất gia phải biết thiểu dục tri túc, xem vật thực chỉ là thức ăn nuôi mạng sống, không đắm say vào nó mà quên đi sự nghiệp tu tập của mình

2 661

Tiết độ trong ăn uống sẽ được lợi ích - bài học từ con chó rừng

03 T5, 2021
03 T5, 2021
Bài học về cách chuyển hóa thọ mạng

Thọ mạng của chúng ta có thể chuyển hóa nếu chúng ta khéo tích lũy phước báu bằng việc tu tập các thiện Pháp, bằng tâm từ bi, tâm tốt đẹp của mình

61 6941

Bài học về cách chuyển hóa thọ mạng

20 T12, 2020
20 T12, 2020
Mất ngủ, nguyên nhân và cách chuyển hóa

Mất ngủ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn tới đời sống, công việc, tinh thần của rất nhiều người. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này?

67 7797

Mất ngủ, nguyên nhân và cách chuyển hóa

30 T10, 2019
30 T10, 2019
Mừng thọ thế nào để được thêm thọ?

Tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ, ông bà là việc làm báo hiếu rất tốt. Thế nhưng, chúng ta nên chúc thọ như thế nào để các cụ được lợi ích nhất theo lời Phật dạy?

7 935

Mừng thọ thế nào để được thêm thọ?