Lòng biết ơn, từ tâm niệm nhỏ đến cả cuộc đời
Thật sự, tâm biết ơn đối với phàm phu chúng ta rất ít....
Chúng ta hay quên ơn, hay vô ơn và hay bội ơn!
Cha mẹ sinh ra ta, nuôi lớn ta, giáo dưỡng ta mà nhiều khi ta còn quên cha, quên mẹ. Con gái lấy chồng quên mất cha mẹ luôn, con trai có vợ cũng không nghĩ đến mẹ đến cha nữa! Cho nên tâm của chúng ta là tâm vô ơn nhiều lắm! Ở chùa Ba Vàng hiện nay, Thầy đang xiển dương 3 tâm mà mọi người về chùa đều phải tu học và thực tập, đó là: Cung Kính, Vâng Lời, Biết Ơn.
Chúng ta nhớ rằng: Chúng ta không thể tự thân mình thành tựu được bất kỳ một việc gì, nếu tự mình! Có ai rời được các mối quan hệ đâu!
Thành cái thân này, mình phải nhờ cha, nhờ mẹ, nhờ cơm nhờ gạo, nhờ vải vóc,..mới thành cái thân này. Mình ăn cơm gạo cũng phải nhờ bác nông dân, nhờ cả con trâu đi cày, nhờ cả ánh nắng mặt trời, nhờ cả giọt mưa buổi sớm mới kết thành hạt gạo cho mình ăn, vậy thì mình có thấy mình phải mang ơn không? Cái áo mình mặc phải nhờ bác thợ dệt vải, phải cảm ơn con tằm đã cho mình sợi tơ, cảm ơn cây bông đã cho mình sợi vải. Bao nhiêu điều mình phải cảm ơn! Thầy đeo cái kính này cũng phải nhờ bác sĩ hay người chế tạo ra cái kính này, nếu không có kính thì mắt Thầy cận, Thầy không nhìn thấy. Các con thấy mình phải mang ơn không?
Chúng ta học “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Đi đường ngồi dưới bóng mát, cảm ơn người trồng cây; mình uống ngụm nước nhờ người ta cũng phải cảm ơn người ta! Cho nên tâm biết ơn chúng ta phải học, phải rèn hằng ngày mới có. Còn bản chất của chúng sinh là hay vong ơn, hay quên ơn lắm các con ạ! Ai giúp mình xong quên luôn. Khi cần thì tha thiết xin: Các anh các chị giúp em, các cô các bạn giúp tôi. Được giúp xong quên ngay! Nhưng khi có chuyện bất lợi cho mình thì quay lại phản người ta! Nên gọi là “Vô ơn phản chủ”. Cái tâm của chúng ta hay như vậy nên chúng ta phải rèn!
Nếu mình hay về chùa nghe Pháp nhưng vẫn chưa khởi được các tâm biết ơn Tam Bảo, vậy thì hạt giống biết ơn của mình còn ít quá. Mình phải chịu khó gieo trồng và tưới tẩm, hàng ngày thường khởi tâm cảm ơn.
Ai giúp mình được chuyện gì một chút mình phải cảm ơn. Các con ở trường ở lớp, ví dụ buổi sáng dậy sớm, có bạn nào gấp chăn cho mình, mình phải cảm ơn; mình ra nhà vệ sinh có bạn nào lấy cho mình cốc nước đánh răng, mình phải cảm ơn; xuống bếp ăn cơm, bạn ấy đã sắp ghế sẵn sàng, mình cảm ơn. Tức là mình phải có tâm tri ơn.
Tập nói cảm ơn!...
Như người phương Tây, họ hay nói chữ “cảm ơn” lắm, người Việt mình trước đây nói chữ “cảm ơn” còn xấu hổ, nói “sao khách sáo thế!”. Mãi đến bây giờ, văn hóa cảm ơn bắt đầu mới có. Trước đây, thời của Thầy, nói “cảm ơn” lại bảo điệu, khách sáo! Thế nhưng, cảm ơn là điều tốt, mình phải cảm ơn, ai giúp gì, mình phải cảm ơn, nếu không mình vô ơn lắm! Mình vô ơn cả với cha mẹ mình, vô ơn với những người giúp đỡ mình. Cho nên các con hãy thực tập tâm biết ơn. Người có tâm biết ơn, người ấy sẽ được nhiều phúc báu. Người vô ơn sẽ bị quả báo xấu, không tốt. Người vô ơn, sau này sẽ không có ai giúp đỡ người ấy.
Đối với Thầy, tâm tri ơn rất nặng. Những người giúp đỡ Thầy một tí một ti từ ngày xưa, khi có duyên gặp lại, Thầy đều rất cảm ơn và Thầy đều tìm mọi cách giúp đỡ người ta để đền đáp công ơn người ta. Phật dạy: Đệ tử của Phật phải là người sống biết ơn và phải biết đền ơn, mới xứng đáng là đệ tử của Phật. Người sống không biết ơn, không biết đền ơn, không phải là người đệ tử của Phật.
---
Trích từ lời dạy của Thầy Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng trong chương trình tu học Phật Pháp hàng tháng tại chùa, dành cho CLB Tuổi trẻ Ba Vàng với chủ đề "Lời vàng và đoàn thể những con người cao quý" - tuổi trẻ khám phá vườn tâm kỳ 3