“Cái thuở ban đầu gian khổ ấy, ngàn năm đâu dễ mấy ai quên...”
Mục Lục [Ẩn]
“Còn sống ngày nào thì tâm còn hướng về chùa Ba Vàng ngày đấy.” - chú Hạ, Nguyên Bí thư phường Thanh Sơn chia sẻ.
Ngắm nhìn ngôi chùa Ba Vàng có quy mô rộng lớn, khang trang, bề thế như ngày nay, chắc hẳn ít người có thể tưởng tượng được hình ảnh ngôi chùa xưa khi Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh mới về nhận. Đối với những người đã gắn bó với Sư Phụ từ những ngày đầu thì hình ảnh ngôi chùa nhỏ bé, nằm ẩn mình nơi rừng thiêng nước độc có lẽ chẳng thể quên.
Nhân dịp xuân mới Canh Tý, ngày 18/01/2020 (nhằm ngày 24 tháng Chạp, năm Kỷ Hợi), chư Tăng chùa Ba Vàng tổ chức buổi gặp gỡ những người Phật tử trong thời kỳ đầu tiên Sư Phụ mới ra nhận chùa. Đây là dịp để mọi người được chia sẻ cũng như khích lệ tinh thần tu học và phụng sự Tam Bảo cho bản thân được tô bồi phúc báu, trí tuệ.
Những con người của thuở ban đầu thật sự rất đáng trân quý!
Khi Sư Phụ về làm Trụ trì chùa Ba Vàng, rất nhiều người đã có duyên lành để tạo cho mình phúc báu vô cùng lớn từ sự hộ trì Tam Bảo.
Trong buổi gặp mặt, Sư Phụ đã nói về các cụ, các bác, các cô chú ấy thế này:
“Thầy xin mượn lời của nhà thơ Thế Lữ để nói lên tâm sự này: “Cái thuở ban đầu gian khổ ấy, ngàn năm đâu dễ mấy ai quên”. Và con người của những ngày đầu xây dựng chùa thật sự rất đáng trân quý! 12 năm bước chân về núi Thành Đẳng, Thầy ấp ủ được gặp mặt đông đủ các cụ, các cô bác, anh chị em. Cách đây mấy năm, Thầy có tổ chức một buổi nhưng không được đông đủ. Đến năm nay, Thầy nói với chư Tăng là tổ chức cho Sư Phụ buổi gặp mặt để Thầy được gặp lại những gương mặt xưa, rồi được ôn lại kỷ niệm và được sống lại những ngày xưa ấy. Mọi người đã hết lòng vì Phật, vì Thầy để xây dựng ngôi Tam Bảo này. Thầy rất mong tình cảm trong sáng giữa Thầy với các cụ, cô bác, anh chị em sẽ được giữ mãi.…”
Chùa mình phải là nơi kết tinh của những tấm lòng yêu kính Tam Bảo
Điều kiện cơ sở vật chất tại ngôi già lam Ba Vàng thuở Sư Phụ mới về thật sự khiến nhiều người nghĩ sẽ không ai có thể ở được: “...điện không có, đường chỉ là con đường mòn, chú Tập đi xin mãi mới được một ít xi măng về nhưng chỉ đổ được một đoạn đường ngắn, trời mưa mà đi không khéo là trượt chân ngã, nước chỉ có một ít của giếng thần nhỏ, gánh được ít nước đổ vào bể là giếng cạn, Thầy với mấy chú nữa phải đi vét cái hố nước ở bên cạnh để nó rỉ ra. Khổ lắm! Bản thân Thầy có một thau nước để đánh răng rửa mặt thì nhiều khi rửa mặt xong là lấy nước để đánh răng, đánh răng xong không dám nhổ bừa mà nhổ vào gốc cây mai để tưới cây, nếu không thì cây khô héo hết…” - Sư Phụ chia sẻ.
Chùa khó khăn như vậy mà mọi người vẫn một lòng tin theo Thầy mà phụng sự Tam Bảo, hộ trì Thầy xây dựng tùng lâm. Thế mới thấy, “chùa mình phải là nơi kết tinh của những tấm lòng yêu kính Tam Bảo” đúng như lời Sư Phụ nói.
Bồi hồi khi nhớ lại những kỷ niệm thời xưa
12 năm trôi qua, những con người gắn bó với Sư Phụ hồi xây dựng chùa cũng đã có tuổi hơn, nhiều thứ có thể quên nhưng có lẽ hình ảnh về ngôi chùa xưa vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người.
Câu chuyện mọi người kể như nét bút góp phần hoàn thành bức tranh thời ấy. Đó có thể là hình ảnh Sư Phụ cùng mọi người lên rừng kéo đường nước mà “rách hết cả mày mặt”, bữa cơm hầu như chỉ có lạc rang, hay hình ảnh Thầy ốm nhưng không có thuốc để uống... Lắng nghe những câu chuyện của Sư Phụ, của các cụ, các cô chú, những người tham dự cũng rơi nước mắt vì xúc động và càng cảm niệm hơn ân đức của Sư Phụ.
Sư Phụ đúng là nơi để biết bao người tìm về như lời chú Hạ - Nguyên Bí thư phường Thanh Sơn chia sẻ: “Còn sống ngày nào thì tâm còn hướng về chùa Ba Vàng ngày đấy.”
Phụng sự, hộ trì Tam Bảo - công đức thù thắng trong nhiều kiếp
“Một trăm năm vất vả,
Thờ lửa trong rừng sâu
Không bằng trong giây lát
Cúng dường bậc chân tu.”
(trích kinh Pháp Cú)
Tam Bảo là ruộng phước điền tối thượng cho chúng sinh. Những việc làm hộ trì Tam Bảo, dù chỉ một mảy cũng được công đức vô cùng thù thắng. Hộ trì Tam Bảo bằng cả tấm lòng chân thành, không nghĩ đến công lao, không chấp vào công sức của mình thì công đức thật không thể kể sao cho siết. Vậy thì, với tâm thiện lành khi phụng sự Tam Bảo, phụng sự Sư Phụ cũng như chư Tăng, các Phật tử sẽ được hưởng vô lượng phúc báu trong kiếp này hoặc nhiều kiếp vị lai.
Xin được tùy hỷ với công đức hộ trì Tam Bảo, hộ trì Sư Phụ và sự đóng góp của mọi người trong những ngày đầu xây dựng chùa cũng như suốt thời gian qua. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho mọi người kiếp này và nhiều đời sau đều được vào trong biển Phật Pháp thực hành giáo Pháp của Phật để được lợi ích, và phước đức, trí tuệ được viên mãn như lời chư Tăng cầu nguyện.