Bữa ăn cuối cùng của Đức Phật: Phước báu vô lượng cho người cúng dường
Mục Lục [Ẩn]
Bữa ăn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn được thợ sắt Cunda dâng cúng. Dù biết trong thức ăn có món mộc nhĩ độc, Đức Phật vẫn an nhiên thọ nhận, thể hiện lòng từ bi cao thượng và sự thấu suốt nhân duyên của Ngài. Đối với một bậc Chánh đẳng Chánh giác, thọ nhận bữa ăn ấy là để giáo hóa chúng sinh, mang lại những bài học lớn lao cho chúng sinh sau này; và giúp ông Cunda - với lòng thành kính cúng dường - vẫn nhận được phước báu vô lượng.
Sự kiện này đã được ghi lại trong Trường Bộ Kinh - Tập 2, kinh Đại Bát Niết Bàn, Tụng phẩm IV và trở thành bài học sâu sắc về trí tuệ và lòng từ của Đức Thế Tôn. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Đức Phật thọ nhận món mộc nhĩ độc từ thợ sắt Cunda
Thợ rèn sắt Cunda sống ở thành Câu Thi Na, ông có tâm cung kính rất lớn đối với Đức Phật. Khi hay tin Đức Phật và Tăng đoàn đang ở Câu Thi Na, ông vội đến đảnh lễ Đức Phật và nghe Ngài thuyết Pháp. Những lời khích lệ của Đức Phật khiến ông phấn khởi, tâm được hoan hỷ; liền thành kính thỉnh Phật và chúng Tăng đến nhà của mình để được cúng dường. Đức Phật im lặng nhận lời.
Khi đêm đã mãn, ông Cunda sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm và nhiều nhiều thứ Su-ka-ra-ma-da-va (Sūkaramaddava - một loại mộc nhĩ). Hôm sau, khi đến nhà ông Cunda, Đức Phật dặn, món mộc nhĩ chỉ để dành riêng cho Ngài, còn các món ăn khác thì dọn cho chúng Tăng. Ngài căn dặn: “Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai”.
Rồi Đức Phật thuyết Pháp cho thợ sắt Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau khi Đức Phật thọ nhận món ăn đó, Ngài bị nhiễm bệnh lỵ huyết nặng, đau đớn gần như đến chết và Đức Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.

Ông thợ sắt Cunda dâng vật thực cúng dường Đức Phật (Ảnh minh họa)
Phước báu to lớn khi cúng dường bữa ăn cuối cùng của Phật
Với trí tuệ của bậc Toàn giác, Đức Phật biết sẽ có người làm cho thợ sắt Cunda hối hận khi cúng dường Đức Phật bữa ăn cuối cùng và Ngài biết cần phải làm tiêu tan đi sự hối hận của ông Cunda; nên đã dạy về hai sự cúng dường tối thượng:
"Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác? Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thực quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác…”
Như vậy, sự cúng dường của ông Cunda - một trong hai sự cúng dường tối thượng, là việc hết sức cao thượng, mang đến phước báu vô cùng to lớn cho ông: được hưởng tuổi thọ, sắc đẹp, an lạc, danh tiếng, cõi trời và uy quyền.
Lòng từ bi của Đức Phật thị hiện ở bữa ăn cuối cùng
Giúp người cúng dường không lo sợ
Lòng từ bi của Đức Phật thị hiện ở bữa cơm cuối cùng là một bài học giúp cho những người cúng dường không lo sợ. Khi cúng dường đến bậc tu hành với tâm thanh tịnh, thành kính; nếu có sự việc ngoài ý muốn xảy ra thì công đức cũng không bị ảnh hưởng. Bởi vì việc đó không xuất phát từ tâm cấu uế của chúng ta. Như ông Cunda, sau khi Đức Phật thọ nhận đồ dâng cúng của ông (món mộc nhĩ độc), Ngài lâm bạo bệnh nhưng ông Cunda vẫn được phước báu nhiều đời.
>> Cúng dường là gì? Cách cúng dường để sinh ra nhiều phước báu nhất
Giải nghi cho chúng sinh về việc người tu bị bệnh
Để tránh cho chúng sinh sau này có những nhận xét sai lầm có thể phạm đến những người chân tu đắc đạo, Đức Phật thị hiện nhân duyên bị bạo bệnh trước khi nhập Niết bàn.
Bởi với những bậc đã chứng đắc, nhân duyên xả báo thân cuối cùng của các Ngài khác nhau. Đức Phật biết rằng, đến thời mạt Pháp sẽ xuất hiện những chúng sinh tà kiến, có quan kiến sai lầm như: người tu phải là người không mắc bệnh; người tu mà mắc bệnh thì sẽ không đắc đạo; hoặc người đắc đạo sẽ không mắc bệnh trước khi bỏ báo thân.
Chính bữa ăn cuối cùng của Phật trước khi nhập Niết bàn đã giúp chúng ta khẳng định rằng, người bị bệnh không phải là không đắc đạo và người đắc đạo không phải là không bị thân bệnh.

Đức Phật bị bệnh trước khi nhập diệt (Ảnh minh họa)
Tấm lòng của người thầy đối với người trò
Không chỉ vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng, Đức Phật là người Thầy luôn nhận hiểm nguy về mình, dành cho đệ tử những điều an lành nhất. Đức Phật biết món ăn có độc, Ngài đã dặn ông Cunda cúng cho mình, còn mang những món khác cúng cho Tăng chúng.
Chúng ta cũng vậy, muốn đi trên con đường của Đức Phật, muốn thành tựu Vô thượng Bồ đề thì những gì khó khăn, khó làm chúng ta phải làm; những gì dễ dàng, an lạc thì dành cho đại chúng.
Sự kiện bữa ăn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn đã giúp chúng ta thấy được lòng từ vô lượng của Ngài đối với chúng sinh. Ngài luôn hằng nghĩ đến những việc mang đến lợi ích cho chúng sinh, cho dù giây phút đó Ngài có đang phải đối diện với bệnh tật kịch liệt.
Quý bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về Đức Phật, lời dạy của Ngài tại chuyên mục Tu tập - Giác ngộ. Hoặc nếu có các thắc mắc, vui lòng bình luận tại bài viết, gửi về chuyên mục hỏi đáp hoặc liên hệ tại đây để được giải đáp. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, an lạc!