7 lời không nên nói để không gặp tai họa
1. Không vội nói ngay
Nhiều khi trong lòng chúng ta sục sôi, muốn bật ra nói ngay, mà không dùng trí tuệ quán chiếu, dẫn đến hỏng việc. Cho nên, chúng ta phải dùng trí tuệ, dùng sự quán chiếu để giữ lời nói ấy lại, đừng để nó vuột khỏi miệng mình. Lời nói ra sẽ không thu lại được.
2. Không nói dối
Đức Phật không cho phép chúng ta nói dối với động cơ ích kỷ, hại người, che giấu tội lỗi của mình. Tuy nhiên, Ngài khai mở cho chúng ta có thể nói dối khi có lòng đại bi cứu người, cứu vật.
3. Không khinh chê người
Trong kinh Địa Tạng dạy rằng, nếu những kẻ hay khinh chê, gièm pha, nói xấu, bôi nhọ mọi người thì quả báo sẽ không có lưỡi.
4. Không nói lời thô ác
Người nói lời thô ác thì Bồ Tát Địa Tạng dạy rõ quả báo là quyến thuộc kình chống nhau. Cho nên, chúng ta muốn được gia đình hòa thuận thì phải tu khẩu nghiệp - không nói lời thô ác.
5. Không giấu lỗi nếu ảnh hưởng đến người khác
Thú tội, nhận lỗi là lời nói. Tuy nhiên, chúng ta nói phải có trí tuệ, quan sát trước sau. Nếu tội lỗi chúng ta gây ra kéo theo hệ lụy lớn, ảnh hưởng đến nhiều việc và nhiều người, khiến người bị oan, bị vạ lây thì dù có mất mạng chúng ta cũng phải thú tội. Còn nếu lỗi này chỉ riêng chúng ta chịu, nói ra ngay sẽ tổn hại tính mạng của mình, không mang lại lợi ích cho ai, thì chưa vội nói, hãy đợi đủ duyên để nói.
6. Không rêu rao lỗi của người
Chúng ta được phép chỉ lỗi cho người nhưng không rêu rao với ác tâm, mà soi sáng, chỉ lỗi cho người đúng lúc, đúng chỗ, đúng vị trí của mình.
7. Không khinh chê giáo Pháp
Pháp của Phật cứu khổ chúng sinh, vô cùng cao quý. Nếu ai khinh chê, xem thường giáo Pháp thì Phật dạy là quả báo ở trong ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) lâu dài.
(Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh)