Sự gia hộ từ lời thỉnh cầu chân thật
Mục Lục [Ẩn]
Gần 400 năm trước; non thiêng Thành Đẳng - chùa Ba Vàng là một nơi tu học Phật Pháp trang nghiêm, nơi khơi dậy và nối lại dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 3 thế kỷ gián đoạn trước đó nhờ sự gây dựng của Tổ Sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác Thiền Sư. Sự biến đổi của không gian, thời gian đã khiến ngôi chùa xưa cũ chỉ còn lại tấm bia đá khắc tên Tổ sư là minh chứng còn sót lại. Nhưng đó chính là nơi khơi nguồn cho dòng suối cam lồ chảy mãi cho đến hôm nay với một quá trình xây dựng đầy gian nan nhờ vào công sức lớn lao, trí tuệ mẫn tiệp của Thầy Thích Trúc Thái Minh - xuất thân từ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.
Những ngày đầu về chùa...
Nhớ ngày Thầy mới về, ngôi chùa chỉ là ba gian tiền đường, cửa vòm, một gian tự điện. Tất cả đã xuống cấp và dường như có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngày qua ngày, các Phật tử lên chùa làm công quả nhiều hơn. Thầy rất muốn giảng Pháp để các Phật tử lên chùa cũng được học lời Phật dạy để áp dụng vào cuộc sống. Thế nhưng, ba gian chùa nhỏ bé chỉ chứa 30 người là chật ních, mỗi lần lên chùa nghe Thầy giảng là Phật tử phải ngồi ngoài chịu mưa, chịu nắng. Thầy thấy như vậy nên đã dự định dựng một ngôi nhà tôn để Phật tử có nơi học Pháp rộng rãi hơn. Nhưng lấy tiền đâu để xây dựng khi mà tiền ăn còn chẳng đủ, khi mà có những bữa hết tiền mua gạo Thầy phải bảo các đệ tử lên rừng hái sim ăn tạm?
Khi ấy, vô tình lại có một người cúng dường cho Thầy ba cụ tượng: Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí do một vị Sư nào đó đặt làm nhưng không lấy. Tiền xe để chở về chùa cũng là do một Phật tử cúng dường, chứ lúc đấy Thầy cũng không có đồng nào. Chùa có tượng Tam Thánh đẹp đẽ, trang nghiêm nhưng không có chỗ che tượng thì mưa gió sẽ hỏng tượng gỗ mất. Vậy là khó khăn chồng chất khó khăn!
Hai vấn đề che tượng và chỗ ngồi học cho Phật tử đặt ra cấp bách nên Thầy phải dựng nhà tôn. Chi phí hết 98 triệu đồng - số tiền này ở thời điểm đó khá lớn; dù đã cố gắng hết sức nhưng Thầy vẫn không đủ điều kiện để chi trả. Người dựng hẹn Thầy một lần, hai lần, đến lần thứ ba thì Thầy đành phải nhận lời sẽ trả tiền họ. Thầy đã gom góp từng đồng nhưng cũng không đủ. Lại một lần nữa Thầy nghĩ chắc phải thất hứa với họ thôi, chứ không có tiền thì làm sao trả. Khi ấy, Thầy đã bạch với Phật là: “Con bây giờ không có đồng nào mà người ta hẹn mai lên lấy tiền rồi...” Liệu Phật có nghe thấy lời thỉnh cầu của Thầy - người con thay Ngài hoằng truyền Phật Pháp? Liệu Thầy sẽ có số tiền lớn như vậy để trả họ vào ngày mai?
Sự gia hộ từ lời thỉnh cầu chân thật...
Như một sự linh ứng trong Phật Pháp, hôm đó nhân duyên thế nào lại có một cô Phật tử ở miền Nam ra thăm Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, hỏi thăm thì biết Thầy đã sang chùa Ba Vàng nên cô đã cất công sang tìm Thầy. Được Thầy dẫn đi tham quan chùa và xem nhà mái tôn, người Phật tử đó đã thấy được phần nào những khó khăn mà Thầy đang gặp phải. Thế rồi, với tâm tịnh tín Tam Bảo và tâm kính quý Thầy Thích Trúc Thái Minh, cô Phật tử đã cúng dường Tam Bảo chi phí xây dựng ngôi nhà mái tôn ấy. Phải chăng Phật đã nghe thấy lời thỉnh cầu chân thật mà gia hộ cho người con hết lòng vì đạo Pháp?
Ngôi nhà tôn dựng lên, các Phật tử cứ đều đều lên chùa học Pháp định kỳ. Rồi tiếng lành đồn xa, dần dần Phật tử lên chùa học Pháp ngày càng đông, ngôi nhà tôn mới dựng bỗng trở nên nhỏ bé, phải căng bạt sang hai bên để các Phật tử ngồi học. Có lần, trời mưa như trút nước, người các Phật tử ướt nhẹp, Thầy nhìn các Phật tử mà thương lắm nên trong lòng Thầy đã mong muốn có thể xây ngôi Chính điện rộng lớn hơn để Phật tử an tâm tu học.
Xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện
Năm 2011, khởi công xây dựng Chính điện với quy mô lớn, Thầy cũng không có tiền, phải đi vay các nơi. Nào việc Phật sự, việc xây chùa từ thiết kế đến thi công; Thầy đều gánh vác hết. Có những ngày gian nan, Thầy phải xắn quần lên tận đùi để đào từng cuốc đất, phải đi kéo nước từ trong rừng nguồn về. Ngay cả hồ sen, hồ súng cũng là Thầy lội xuống cuốc đất, be bờ để lấy nước. Tất cả mọi việc Thầy làm đều bằng lao động chân tay mà không có máy móc. Phải mãi sau mới có người cúng máy móc cho Thầy làm đường. Một mình Thầy nơi rừng thiêng, tất cả những gian nan, vất vả đều một mình Thầy trải qua.
Sau ba năm xây dựng, Chính điện khánh thành thu hút Phật tử về chùa học Pháp đông đảo. Hàng tháng cứ 3 ngày mồng 8, 14, 30 âm lịch đều có hàng ngàn Phật tử về chùa tu học, cứ đông dần, đông dần. Ngôi Đại hùng bảo điện được trao Bằng Kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có Tòa Chính điện lớn nhất Đông Dương" ngày nay cũng quá tải nên Thầy phải tiếp tục triển khai xây dựng Đại Giảng Đường 2 tầng rộng gần 12.000m2 với sức chứa hàng chục nghìn người. Chắc chắn sẽ lại có những khó khăn, gian nan đang chờ đợi Thầy phía trước.
Nhưng có xá chi, vì chí nguyện thành đạo, nguyện độ sinh thì Thầy sẽ vượt qua tất cả để biến từng đồng tiền thập phương cúng dường thành một ngôi tùng lâm hữu ích cho thế gian, để tạo ra mọi phương tiện cho ai ai cũng được kết duyên Phật Pháp.