03 câu chuyện về mẹ hay nhất khiến bạn muốn về nhà thật nhanh để ôm mẹ
Mục Lục [Ẩn]
Mẹ là người yêu thương ta vô điều kiện, có thể hy sinh tất cả vì ta. Thế nhưng, có mấy khi chúng ta lắng lòng, nghĩ về mẹ để cảm nhận rõ hơn tình yêu thương bao la ấy?
Cùng đón đọc 03 mẩu chuyện dưới đây để cảm nhận rõ hơn về tình yêu và sự hy sinh biển trời của mẹ nhé! Admin đã khóc khi nghe Thầy Thích Trúc Thái Minh kể những câu chuyện này.
Chiếc xe đạp của mẹ
Năm tôi 12 tuổi, mẹ tôi “đem” về nhà một chiếc xe đạp. Tôi nói là “đem” vì lúc nhỏ tôi nghĩ, khi mua một thứ gì thì hiển nhiên thứ đó phải mới cóng, và ở trong tình trạng tốt nhất.
Còn chiếc xe đạp ấy thì cũ nát đến mức lớp sơn bong tróc gần hết, trơ ra một màu kim loại gỉ sét xấu xí. Nhìn chiếc xe đạp, tôi thầm nghĩ: “Mẹ đem về nhà làm gì cái khối sắt hoen gỉ ấy”.
Thế nhưng, ý nghĩ đó biến thành cảm giác có lỗi khi mẹ cười hồ hởi: “Mẹ mua lại nó ở chỗ bán phế liệu, chỉ cần bỏ ra ít tiền sửa lại là có thể chở rau đi bán được rồi”. Tôi nhận ra mẹ cần một chiếc xe đạp đến thế nào.
Bố tôi mất khi tôi 8 tuổi, em gái tôi khi ấy mới 5 tuổi. Một mình mẹ tảo tần nuôi hai anh em tôi ăn học. Mẹ tôi là một người rất kiệm lời, làm nhiều hơn là nói. Mẹ thức dậy lúc 4 giờ sáng, gánh rau đến chợ để bán. Đó là chợ ở thị trấn, cách nhà tôi tận 5 cây số. Gần nơi tôi ở cũng có một cái chợ nhỏ. Nhưng mẹ nói, bán ở đấy chẳng được bao nhiêu, rau ở chợ thị trấn có giá hơn nhiều. Ngày nào cũng vậy, mẹ đi từ lúc sáng sớm, trở về lúc giữa trưa, và lần nào mồ hôi cũng rịn ướt lưng áo.
Từ khi có chiếc xe đạp, mẹ không phải thức dậy quá sớm, không phải đi bộ một quãng đường xa với đôi quang gánh trĩu nặng trên vai. Mẹ chỉ sửa lại những gì cần thiết, chiếc xe đạp vẫn giữ nguyên màu nâu gỉ sét. Nhưng giờ với tôi, nó không còn là chiếc xe đạp xấu xí nữa.
Năm tôi chuẩn bị lên lớp 10, một hôm mẹ nói sẽ mua cho tôi một chiếc xe đạp. “Một chiếc xe đạp mới hả mẹ?”. Tôi cố tình nhấn mạnh từ “mới”. Và khi mẹ cười xác nhận: “Ừ, mẹ sẽ mua cho con một chiếc xe đạp mới”. Tôi muốn hét toáng lên vì vui sướng. Thật là tuyệt! Một chiếc xe đạp mới chứ không phải là chiếc xe đạp cũ kĩ, hoen gỉ được sửa lại, như chiếc xe đạp của mẹ.
Những ngày sau đó, tôi không ngừng tưởng tượng ra cảnh mình vi vu cưỡi trên chiếc xe đạp màu bạc sáng bóng. Nhưng năm đó, tôi bị sốt xuất huyết. Số tiền mà mẹ dành dụm để mua xe đạp cho tôi đã chi hết vào tiền viện phí và thuốc men. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được đôi mắt mẹ đêm hôm đó. Đôi mắt nhòe nước, đau đớn, dằn vặt.
Mẹ nói không thể mua xe đạp mới cho tôi, và rằng mẹ chỉ có thể sửa lại chiếc xe đạp của mẹ cho tôi đi học. Đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc kể từ ngày bố mất. Có lẽ, mẹ cảm thấy mình là một người mẹ tồi tệ và thất bại vì không làm được như đã hứa, không thể mua cho con mình thứ mà nó ao ước.
Tôi nói bằng giọng kiên quyết, để mẹ biết rằng tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn thứ gì khi đã có mẹ. Cuộc sống của anh em tôi đã được mẹ lấp đầy bằng tình yêu thương rồi:
- Không đâu mẹ, con không cần xe đạp mới nữa đâu mẹ.
Tôi đi học bằng chiếc xe đạp của mẹ. Điều đó cũng có nghĩa là mẹ phải thức dậy sớm hơn, gánh rau đến chợ bằng đôi vai gầy. Tôi tin rằng, dù bầu trời có sụp xuống, mẹ cũng sẵn sàng dùng đôi vai ấy để nâng đỡ, che chở cho những đứa con của mẹ.
Học kỳ II của năm lớp 10, tôi được mẹ mua cho chiếc xe đạp mới. Chiếc xe đạp màu bạc đúng như tôi mong ước. Dĩ nhiên là nó mới cóng và đẹp hơn chiếc xe đạp của mẹ rất nhiều. Không chỉ đơn giản là phương tiện đi lại, chiếc xe đạp là động lực để tôi cố gắng học thật tốt.
Những ngày đến trường trên chiếc xe đạp mới, guồng chân theo những vòng quay, tôi chở đi khát vọng về một cuộc sống sung túc cho mẹ và em gái, ước mơ về cổng trường đại học, chở theo cả tình yêu bao la của mẹ.
Tôi thi đậu vào trường đại học đúng như mơ ước. Rời quê, xa mẹ, tôi mang theo chiếc xe đạp vào Sài Gòn. Rong ruổi qua những đường phố tấp nập, hành trình thực hiện khát vọng của tôi chỉ mới bắt đầu. Con đường phía trước sẽ có những gập ghềnh, khó khăn.
Nhớ về mẹ. Nhớ đến hình ảnh đã in sâu trong tâm trí tôi. Mẹ guồng chân trên chiếc xe đạp hoen gỉ chở những gánh rau trĩu nặng. Tôi có thêm sức mạnh để tiến bước. Trong cuộc hành trình này, tôi không bao giờ đơn độc. Bạn biết mà, bạn sẽ không để khó khăn nào cản trở bước chân của mình, khi bạn có tình yêu vô bờ của mẹ. Tình yêu ấy lớn hơn bất cứ điều gì trên thế giới này.
Túi gạo của mẹ
Cái nghèo đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ, nhưng dường như nỗi cơ cực bần hàn không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống gia đình, cha của cậu qua đời vì một cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mai táng cho người chồng, người cha xấu số.
Người mẹ góa bụa ở vậy, quyết không đi bước nữa để nuôi con. Cô biết bây giờ, cô là chỗ dựa duy nhất cho đứa con trai của mình. Cô cặm cụi chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp - tài sản quý giá nhất của hai mẹ con cô.
Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai mỗi ngày một lớn lên ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt cô bỗng lăn trên gò má.
Học hết cấp 2, cậu bé thi đậu vào trường cấp 3 trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai của người mẹ, thế nhưng thật không may cho cậu, khi giấy báo trúng tuyển gửi về cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác đã làm cho mẹ liệt nửa dưới của một chân.
Vốn là lao động chính của gia đình, giờ cô chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa, còn nói gì đến chuyện làm ruộng, làm vườn. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu nói với mẹ:
- Mẹ ơi, con nghỉ học thôi, con làm ruộng thay mẹ, đi học tiền đâu mà đóng học phí, sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo, nhà mình biết lấy đâu ra hở mẹ.
Người mẹ đáp lại:
- Có thế nào con cũng không được bỏ học, con là niềm tự hào của mẹ, chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác con không phải bận tâm.
Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu vẫn kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ, cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi giận quá, không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai 15 tuổi, mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở.
Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học, lòng nặng trĩu, người mẹ đứng lặng hồi lâu nhìn bóng con trai khuất dần, khuất dần.
Ít lâu sau, người mẹ lặng lẽ vác một bao tải dứa, chân thấp chân cao đi đến phòng giáo vụ của trường cấp ba. Cô là người đến nộp gạo muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, cô đứng thở hổn hển một hồi lâu, rồi nem nép đi vào.
Thầy trưởng phòng giáo vụ nhìn cô và nói:
- Cô đặt lên cân đi, mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.
Cô cẩn thận mở bao gạo. Lướt qua túi gạo, hàng lông mày của thầy giáo vụ khẽ cau lại, giọng lạnh băng:
- Thật chẳng biết nói thế nào, tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua những thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy cô xem, gạo của cô lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng, vừa có gạo xay rối, lẫn gạo mốc xanh mốc đỏ, cả cám gạo, lại còn cả ngô nữa. Thử hỏi, gạo thế này làm sao mà chúng tôi nấu cho các em ăn được?”.
Thầy vừa nói vừa lắc đầu: “Thôi được, tôi nhận cho cô”.
Thầy không thèm ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh. Mặt người mẹ đỏ ửng lên, cô khẽ khàng đi đến bên thầy giáo vụ và nói:
- Tôi,... tôi có năm mươi nghìn đồng. Thầy,... thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?
- Thôi, cô cầm lấy để đi đường uống nước.
Đầu tháng sau, cô lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy giáo vụ lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:
- Cô lại nộp cái loại gạo như thế này sao, tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì? Chúng tôi cũng nhận nhưng làm ơn, phân loại ra, đừng trộn chung lẫn lộn như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm ngon để các cháu ăn được? Cô nghĩ thử xem, với cái loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi nấu cơm có thể chín được không, phụ huynh như các cô không thấy thương con mình hay sao?
- Dạ! Dạ! Xin thầy thông cảm, xin thầy nhận cho! Ruộng nhà em trồng được chỉ có thế thôi - Người phụ nữ bối rối đáp lời, cô sợ thầy không nhận gạo của mình.
- Thật buồn cười cái nhà cô này, một mảnh ruộng nhà cô có thể trồng hàng trăm thứ lúa thế này à? Thôi được, lần này tôi nhận cho cô.
Giọng thầy gằn từng tiếng. Người mẹ im bặt, mặt cô trở lên trắng bệch, nhợt nhạt. Cô lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về, dáng cô xiêu vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.
Rồi lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo, người mẹ lại đến, vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo. Bao gạo nặng dường như quá sức đối với cô, thầy giáo vụ đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy, thầy rành rọt từng tiếng như nhắc để người phụ nữ nhớ:
- Tôi đã nói với cô thế nào, lần này tôi quyết không nhân nhượng với cô nữa đâu. Cô làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Cô mang về đi, tôi không nhận cái loại gạo như thế này đâu.
Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất, dường như nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bùng phát. Cô khóc, hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên khuôn mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn.
Có lẽ cô khóc vì tủi thân và xấu hổ, khóc vì lực bất tòng tâm. Thầy giáo vụ ngạc nhiên, không hiểu mình đã nói gì quá lời khiến người phụ nữ khóc tức tưởi như thế. Cô bỗng kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng, một bên chân teo quắt queo lại.
- Dạ! Thưa thầy, gạo này là do tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được thầy ạ! Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa, cháu nó sớm hiểu chuyện, nó đòi bỏ học để ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi bị thất học, có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm, xin thầy thương tình thầy nhận giúp cho với ạ! Không nộp được gạo, con tôi thất học mất.
Rồi cô khóc nghẹn ngào, nước mắt chan chứa trên khuôn mặt héo hắt, đầy bụi đường.
Chắc sẽ chẳng ai biết được rằng: từ tờ mờ sáng, khi xóm làng chưa thức giấc, cô đã lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn, cô đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, làng trên xóm dưới để xin gạo, đi mãi tới tối mịt mới trở về. Cô không muốn cho mọi người ở ngay thôn mình biết việc này.
Lần này, người bị xúc động mạnh lại chính là thầy giáo, thầy đứng lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng đỡ cô dậy, giọng thầy nhỏ nhẹ:
- Thôi, cô đứng lên đi, cô làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với cô. Thôi thế này, tôi đồng ý nhận số gạo này của cô, tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này để trường có chế độ học bổng hỗ trợ cho học sinh vượt khó.
Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt, cô gần như chắp tay lạy thầy, giọng cô van lơn:
- Tôi xin thầy, tôi xin thầy! Tôi có thể lo cho cháu! Dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được, khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng chịu được. Xin thầy đừng cho cháu biết chuyện này. Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín dùm cho tôi.
Cô kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà cô mang một hàm ơn lớn, đưa tay quệt mắt rồi lại nặng nhọc liêu xiêu ra về. Lòng thầy rất xót xa.
Thầy giáo vụ đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng. Ban giám hiệu nhà trường giữ bí mật chuyện này tuyệt đối, nhà trường miễn toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Không chỉ vậy, học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn nhận học bổng của trường, cuối cấp, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc nhất của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất của thủ đô. Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên thì mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một góc khuất phía xa mỉm cười sung sướng.
Có một điều rất lạ rằng, sân khấu hôm ấy có ba bao tải dứa xù xì được đặt trang trọng một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc không hiểu bên trong những bao tải dứa ấy chứa cái gì nhỉ?
Trong buổi lễ trang nghiêm đó, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin để nuôi con học hành thành tài, cả trường lặng đi vì xúc động.
Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy giáo vụ đến mở ba bao tải dứa ấy ra, đó là ba bao gạo mà người mẹ đã với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi để xin về nuôi con.
Thầy nói: “Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và đặc biệt là tình yêu của người mẹ hết mực dành cho con. Tiền, vàng cũng không thể mua nổi những hạt gạo đáng quý này. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.”
Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc, cả hội trường dồn mắt về phía người phụ nữ chân chất, quê mùa đang được thầy giáo vụ dìu từng bước khó nhọc lên sân khấu. Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại, cậu há hốc miệng kinh ngạc, cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy không ai khác chính là người mẹ thân yêu của mình.
Thầy hiệu trưởng nói: “Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến em học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý, thế nhưng chúng tôi cũng mạn phép được kể ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ, điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng. Chúng tôi muốn thông qua câu chuyện cảm động này giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người và những nghĩa cử cao đẹp. Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến, hy sinh cả đời mình vì tương lai con em.”
Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động, tai cậu ù đi, cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả, mắt cậu đỏ hoe nhòe nước, mẹ cậu đứng đó gầy gò khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc.
Mắt bà chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu với cái nhìn trìu mến. Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ được đứng trước đám đông, run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã dành cho mình. Với cô, những điều đó đơn giản chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà cô dành cho con.
Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy chạy lên ôm chầm lấy mẹ và mếu máo khóc thành tiếng: “Mẹ ơi! Mẹ của con!”
Xem thêm: Những câu nói hay về Vu Lan báo hiếu dành tặng cha mẹ
Người mẹ AIDS
Thông tin một bệnh nhân AIDS chuẩn bị nhập viện sinh con khiến cả khoa sản náo loạn. Các y tá đồng thanh nói:
- Ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp bị lây nhiễm?
Ngay cả một số bác sĩ cũng phản đối:
- Nếu bệnh nhân khác bị lây nhiễm qua dụng cụ phẫu thuật và giường chiếu thì phải làm thế nào?
Sau một hồi tranh luận, cuối cùng, người bệnh nhân ấy cũng được sắp xếp vào chiếc giường số 13, phòng cách ly đặc biệt của khoa sản. Khi trưởng khoa phân công trực ban, không ai muốn nhận vào trong đó. Cuối cùng chỉ còn lại tôi – một y tá vừa tốt nghiệp ba tháng, nơm nớp lo sợ bước vào căn phòng.
Vừa vào tới phòng, người mẹ sắp sinh mỉm cười với tôi. Tôi cứ nghĩ rằng, những phụ nữ mắc loại bệnh này hẳn sẽ phấn son, trang điểm lòe loẹt. Nhưng không, cô cũng như những người phụ nữ bình thường khác, khuôn mặt hiền từ, mái tóc dài ngang vai, chân đi đôi giày búp bê.
Một giọng nói trong veo và nhẹ nhàng cất lên: “Cảm ơn cô”.
Thì ra, người mẹ trẻ tại giường số 13 này là một cô giáo trung học phổ thông. Một hôm trên đường từ trường về nhà, cô bị tai nạn xe hơi. Vì mất quá nhiều máu nên phải truyền máu gấp và không may, cô bị nhiễm HIV.
Cho tới khi đi khám thai, bác sĩ mới phát hiện cô mắc phải căn bệnh thế kỷ. Cuộc đời cô đã bước sang một ngã rẽ mới, ảm đạm và mờ mịt với kết cục buồn phía trước.
Đáng thương nhất là đứa bé trong bụng, nguy cơ bị lây nhiễm cũng rất cao, xác suất không dưới 20% đến 40%. Người mẹ không còn hệ thống miễn dịch, vì thế các biến chứng trong quá trình sinh là vô cùng nguy hiểm.
Khi chồng cô đến, cả khoa có một phen kinh ngạc. Chồng của một phụ nữ bị AIDS thì trông thế nào nhỉ? Khác xa với tưởng tượng của chúng tôi, chồng cô là một nhân viên văn phòng giỏi máy tính, đeo kính cận, cao ráo, lịch sự, và có phong thái rất đĩnh đạc.
- Anh à, anh đoán xem con chúng ta sẽ giống em hay giống anh hơn?
- Tất nhiên là giống anh rồi, nếu là con gái thì mới giống em chứ!
Cô vợ nghe vậy còn phụng phịu làm nũng ra điều không chịu.
Tôi đang trải ga giường, nghe thấy những câu nói nhỏ nhẹ, nỉ non của đôi vợ chồng trẻ thì sống mũi cay cay, nước mắt bắt đầu rơm rớm. Thì ra họ là một gia đình hạnh phúc.
Khi bước ra khỏi phòng bệnh, nước mắt tôi chảy dài, trái tim tôi chua xót vô cùng.
Hàng ngày, cô gái ấy phải uống nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát lượng virus HIV, hầu như ngày nào cũng phải lấy máu và truyền dịch. Hai cánh tay đầy đặn, nõn nà nay đã chi chít những vết kim tiêm.
Tôi là y tá mới ra trường, vốn sống còn ít ỏi lại khá “nhát gan”. Nhất là những lúc lấy máu, tôi vẫn thường làm cô ấy đau đến chảy nước mắt, nhưng cô chưa bao giờ nổi cáu với tôi, chỉ âm thầm cắn răng chịu đựng, thỉnh thoảng còn mỉm cười nói "không sao".
Chỉ vài ngày sau khi cô nhập viện, tôi dần dần rất thích cô ấy. Tuy còn vài ngày nữa mới đến kỳ sinh, nhưng cả khoa đã chuẩn bị sẵn sàng.
Cô năm nay 31 tuổi lại mang trong mình căn bệnh AIDS nên bệnh viện cả trên lẫn dưới đều trong trạng thái đề phòng cao độ. Tuy vậy, bản thân cô lại rất bình tĩnh, hàng ngày đều đọc sách và nghe nhạc, còn viết thư tình hoặc vẽ tranh tặng con yêu.
Một hôm, tôi đánh bạo hỏi:
- Tại sao cô lại sinh đứa bé ra, cô có biết nguy cơ lây nhiễm là rất cao?
Cô vừa mỉm cười vừa trả lời tôi:
- Con tôi đã đến với tôi, đó là duyên nợ, hơn nữa tôi không có quyền cướp đi sinh mệnh của bất kỳ ai.
Tôi do dự, nhưng vẫn quyết định hỏi:
- Nếu cháu bị nhiễm HIV thì sao?
Cô ấy im lặng một lúc, sau đó tiếp tục nói:
- Nếu không thử thì con tôi sẽ không có cơ hội sống nào.
Tâm trạng tôi vừa buồn vừa xót xa, không khí trong căn phòng trở nên ngột ngạt. Khi tôi chuẩn bị ra ngoài, cô đã nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, đôi mắt rưng rưng và nói:
- Tôi muốn nhờ cô một việc, khi tôi sinh con dù có xảy ra chuyện gì, chồng tôi nhất định sẽ cứu lấy tôi. Nhưng tình trạng của tôi cô cũng biết rồi đó, vì thế nếu thực sự xảy ra chuyện xấu, xin hãy cứu lấy con tôi.
Tôi cảm động ôm cô và khóc, cô đúng là một người mẹ thực sự.
Dưới ánh đèn huỳnh quang nhạt màu, cô nằm yên lặng trên bàn mổ, thân dưới không ngừng chảy máu, nước ối vẩn đục đã ộc ra. Điều này có nghĩa là thai nhi đang lâm vào tình trạng nguy hiểm vì thiếu oxy.
Thể chất của cô vô cùng đặc thù, không hề có phản ứng với thuốc tê, chỉ có thể chọn mổ sống để lấy thai nhi ra và chấp nhận hy sinh người mẹ.
Hai là tiêm thuốc gây mê, nhưng đợi khi thuốc có tác dụng thì em bé trong bụng đã bị ngạt thở hoặc bị sốc vì liều gây mê quá cao, nhưng chỉ như vậy mới có hy vọng cứu được người mẹ.
Cả hai trường hợp đều khiến bệnh viện và gia đình lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Cô nắm chặt tay tôi, đôi mắt nhìn tôi như van nài, giọng nói yếu ớt nhưng rất kiên quyết:
- Cứu lấy con tôi, nhanh cứu lấy con tôi, không cần phải quan tâm đến tôi…
Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cái nhìn tuyệt vọng đến vậy, trong một căn phòng cũng tuyệt vọng như thế. Một người phụ nữ không thể gây tê, cũng không thể gây mê khi mổ đẻ, bao nhiêu bác sĩ đứng đó đều bất lực.
Con dao phẫu thuật nhanh chóng được đưa xuống bụng dưới, lớp da, lớp mỡ, lớp cơ, niêm mạc rồi tử cung,… Người mẹ co giật từng cơn, toàn thân giãy giụa, quằn quại, mắt trợn ngược, khuôn mặt biến dạng vì đau đớn, miệng cắn chặt chiếc khăn trắng và rên lên từng cơn xé lòng.
Tôi không thể chịu nổi khi chứng kiến những giọt nước mắt của cô rơi xuống lã chã. Và tôi biết, đó không chỉ là đau đớn mà còn là tình yêu của người mẹ.
Đến tận hôm nay tôi mới hiểu, vì sao làm con phải hiếu thảo với cha mẹ. Bởi mỗi đứa con chào đời là biết bao nhiêu đau đớn, biết bao nhiêu nhọc nhằn, thậm chí là hy sinh cả tính mạng của mẹ.
Cuối cùng, thai nhi đỏ hỏn cũng được đưa ra và khóc lên tiếng khóc yếu ớt đầu đời. Người mẹ vừa ngất lịm đi, đột nhiên nghe thấy tiếng khóc của con nên cô cố gắng hé mở đôi mắt liếc nhìn về phía con yêu, nhưng rồi mí mắt sưng húp nặng trịch lại vội vã cụp lại.
Tôi vội vàng tháo đai cố định ở chân và tay cho cô, vì gồng mình vật lộn với cơn đau, cổ tay cổ chân cô đều rớm máu. Hai mắt tôi đẫm lệ, trái tim tôi cũng như thắt lại.
Thật khó để tin rằng đây là một người mẹ AIDS, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nhìn thấy con trai của mình. Đôi mắt cô nhắm lại và sẽ không bao giờ còn mở ra được nữa. Cô bị nhiễm trùng nặng và không thể cầm được máu nên đã mãi mãi ra đi.
May mắn là em bé âm tính với virus HIV. Tôi tin rằng ở trên cao kia, cô cũng đang mỉm cười mãn nguyện.
Khi làm vệ sinh phòng bệnh, tôi đã tìm thấy một lá thư dưới gối của cô, bên trong còn vẽ một bức tranh ông mặt trời, bên dưới mặt trời là một đôi tay nhỏ. Cô viết cho con trai rằng:
- Con yêu, cuộc sống giống như mặt trời, hôm nay lặn xuống, ngày mai nhất định sẽ lại lên.
Tôi không thể ngăn những giọt nước mắt, cuộc sống thật quá mong manh và cũng thật mạnh mẽ. Người mẹ nào mà chẳng thương con? Vậy cớ sao chúng ta lại phải phân biệt đối xử?
Cuối cùng tôi đã hiểu, cô cũng như những người mẹ bình thường khác, dũng cảm để giành lấy sự sống cho con.
Khi đứa bé được xuất viện, cháu nằm yên bình trong vòng tay cha. Ban đầu đứa trẻ khóc rất to, giống như biết mẹ nó sẽ không bao giờ còn quay về nữa. Nhưng nó chợt ngừng khóc khi tôi đặt bức thư lên ngực. Dường như trong lòng bé cũng đang mỉm cười khi nhận lấy cuộc sống này.
Mai này lớn lên em sẽ biết rằng, mẹ của em là người mẹ vĩ đại nhất trên đời.
Đọc những câu chuyện trên, các bạn có thấy hình ảnh của mình trong đó? Có muốn chạy thật nhanh về nhà, sà vào lòng mẹ để thấu hiểu, yêu thương người phụ nữ hết mực tần tảo với chúng ta?
Hãy cùng chia sẻ cảm nhận của bạn sau khi đọc các mẩu chuyện trên tại phần bình luận nhé!