Giữ gìn văn hóa Phật giáo và dân tộc qua biểu tượng hoa cúc
Hoa cúc là một loài hoa rất giản dị, gần gũi với đời sống nhân dân Việt Nam.
Với những đặc tính tốt đẹp, hoa cúc được coi là một trong những biểu tượng của văn hóa dân tộc và Phật giáo, đặc biệt thời nhà Trần:“Từ xưa đến nay, tất cả các thành phần trong xã hội, từ người nông dân cho đến giới thi nhân, văn sĩ, nhìn chung mọi người đều yêu quý hoa cúc, bởi tính dung dị nhưng rất đặc biệt của nó. Đối với Phật giáo, nhất là Phật giáo thời Trần, hoa cúc đã trở thành một biểu tượng trong văn hóa kiến trúc chùa chiền Phật giáo, từ viên gạch, viên ngói đều có in hình bông hoa cúc. Hoa cúc cũng rất thân thuộc với các Thiền sư thời Trần và được các Ngài nói đến nhiều, nhất là Ngài Đệ Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm - Thiền sư Huyền Quang viết rất nhiều bài thơ về hoa cúc.” - Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.
Đến thăm chùa Ba Vàng ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy những biểu tượng hoa cúc được chạm khắc trên gỗ hoặc trên đá trong đường nét kiến trúc của chùa với nhiều dáng vóc, góc độ rất tinh tế và sống động. Những họa tiết này thể hiện nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo, đó là tinh thần Phật Pháp luôn chan hòa với thế gian, đồng hành cùng dân tộc, dù cho đã trải qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
Bên cạnh đó, với mong muốn giữ gìn văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc qua biểu tượng hoa cúc, được sự cấp phép của Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh, chùa Ba Vàng đã 2 lần phối hợp với TP.Uông Bí tổ chức Lễ hội Hoa Cúc vào ngày 09/9 âm lịch năm 2013 và 2016. Lễ hội này được xuất phát từ Tết Trùng Dương - một ngày Tết cổ xưa của người dân Việt Nam. Thông qua đức tính cao đẹp của hoa cúc, Ban tổ chức Lễ hội mong muốn chuyển tải đạo lý Phật giáo và hướng con người tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Tiếp nối thành công đó, năm nay, trong tình hình miền Trung đang chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, chùa Ba Vàng tổ chức Lễ hội Hoa Cúc, chủ đề “Quyên góp từ thiện”. Đây sẽ là dịp để Phật tử, nhân dân được bày tỏ sự chia sẻ và chung tay đóng góp, ủng hộ cho người dân miền Trung.