Quả báo dọa ma “tháng cô hồn”
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Cứ đến tháng 7 âm lịch, con thấy một số bạn trẻ thường hay nhắn tin, gọi điện cho nhau giả vờ làm ma, là quỷ để trêu vui, để bạn mình sợ. Có người tiếp nhận thông tin ấy thì sợ, có người thì dọa lại.
Bên cạnh đó, có một số bạn trẻ chia sẻ những thông tin về việc kiêng kỵ trong tháng 7 âm, nhưng những thông tin đó đọc rất đáng sợ và bất an. Bản thân con không tin vào những điều đó vì con đã được nghe Thầy giảng và hiểu về tháng 7 âm lịch.
Con kính bạch Thầy! Việc nhắn tin giả vờ làm ma quỷ hay việc chia sẻ những lời cảnh báo thông tin không đúng sự thật như vậy thì có quả báo gì không và khi thấy những việc đó thì con nên làm gì? Con xin tri ân Thầy.
Thầy Thích Trúc Thái Minh trả lời:
Tháng 7 âm lịch đối với Phật giáo là tháng Vu Lan báo hiếu, nhưng đối với nhân gian gọi là tháng cô hồn, tháng của Ma Vương và cũng từ đó sinh ra rất nhiều chuyện rắc rối.
Tháng 7 đối với đạo Phật gọi là tháng Vu Lan báo hiếu vì xuất xứ từ bài kinh Vu Lan Bồn và truyền thống an cư kiết hạ của chúng Tăng, đó là lý do để chúng ta tổ chức lễ báo hiếu. Cũng từ câu chuyện đó mà nhân gian lại sinh ra những chuyện hương hồn, âm binh từ dưới địa ngục thoát ra, hay là do được xá tội nên chúng đi lang thang, vất vưởng, quấy phá. Đó là câu chuyện mà thế gian bày ra, là hiểu biết sai lầm và kéo theo cả một hệ lụy rất dài, rất lớn.
Khi thế gian tin là tháng 7 có vong hồn, cô hồn, âm binh dưới Diêm Ma được thả ra đi lên trên trần gian lang thang thì chúng ta thấy sợ, cho nên mới sinh ra chuyện kiêng kỵ: tháng 7 không được đi đêm, dọa nhau; không được phơi quần áo ban đêm vì sợ ma quỷ, hương linh mượn quần áo mình mặc hay vẽ vào quần áo; không được treo chuông gió đầu giường, không được đánh chuông gõ mõ ban đêm vì ma quỷ vào, không được treo gương trước cửa… rất nhiều thứ. Những điều đó ở thế gian là do con người bày ra, tưởng tượng ra chứ sự thật không phải như vậy.
Chúng ta thấy rằng, không có chuyện nhà tù tự nhiên có ngày thả tù nhân đi lang thang ngoài đường phố. Ở nước ta có chuyện là ân xá, Chủ tịch nước hay Quốc hội có quyền ân xá cho các tội nhân, ân xá là ai được giảm tội thì giảm, ai được tha về thì cho đi về, chứ không phải cho tội nhân đang chịu án phạt mà đi lang thang. Chuyện đạo Phật về việc xá tội cũng vậy, không phải là chuyện cho hương hồn đi lang thang. Thế nhưng, từ chuyện nghĩ rằng hương hồn đi lang thang đã sinh ra biết bao nhiêu hủ tục, kiêng kỵ, những điều hù dọa sợ đủ thứ.
Ở đây việc giả làm ma, làm quỷ làm cho mọi người sợ, nếu chúng ta vui đùa với nhau một chút thì không có vấn đề gì, nhưng có ý đồ dọa để làm người sợ thật thì thành chuyện, thành nghiệp. Trong 5 giới Đức Phật dạy thì có giới “Không nói dối”, dọa sợ thuộc vào giới nói dối. Thứ nữa, Đức Phật dạy chúng ta phải bố thí vô úy, giúp cho người không sợ hãi nhưng mình lại làm cho người sợ hãi là mình gieo nhân không tốt.
Đáng lẽ ra, chúng ta phải làm cho người được an lành, được tự tin, như Thầy giảng cho mọi người là muốn cho tất cả mọi người đều trở thành những người rất tự tin, không có gì phải sợ; sợ những gì đáng sợ, sợ những điều xấu, điều tội lỗi, đó là cái đáng phải sợ. Còn việc thiện là tuyệt đối không sợ, với chính Pháp thì không có gì phải sợ, phải ngại, chúng ta phải là người chiến sĩ dũng cảm trên con đường thiện lành.
Ở đây, mình làm cho người ta sợ thì phải bị quả báo, vừa phạm vào cấm giới, vừa tạo một ác nghiệp do mình khiến cho người khác sợ hãi.
Chúng ta biết câu chuyện về Ngài Từ Đạo Hạnh, trong một tiền kiếp, Ngài cùng với Thiền sư Không Lộ là hai người bạn đồng tu. Một hôm đang đi trên đường, Ngài đi trước, sau đó núp vào một bụi cây. Khi Thiền sư Không Lộ vừa đi đến thì Ngài mới nhảy ra dọa, gầm lên như một con hổ khiến vị Thiền sư sợ hãi. Kiếp sau, Ngài Từ Đạo Hạnh tái sinh làm vua Lý Thần Tông, ông có một giai đoạn bị hóa hổ, toàn thân mọc ra lông như con hổ. Chỉ vì dọa người bạn mà Ngài Từ Đạo Hạnh kiếp này bị quả báo như vậy.
Chúng ta nhớ không có cái gì mà không có quả, đã gieo nhân là có quả. Cho nên, chúng ta đừng gieo nhân xấu, nhân bất thiện, dọa sợ cho người, làm cho người run, sợ hãi, lo lắng, bất an thì chúng ta cũng bị quả báo bất an. Ví dụ khi bạn đang đi xe máy mà chúng ta dọa cho bạn sợ, bạn sẽ nghĩ đó là quỷ ma nên sợ quá run tay, tai nạn chết người thì chúng ta phải gánh cả hậu quả. Hay đêm bạn ở nhà một mình mà chúng ta dọa ma, bạn sợ rồi có khi bạn cuồng, phát điên thì sau đó mình quả báo bị điên; tất cả điều đó, mình phải chịu quả báo, không thể tránh được.
Cho nên, Thầy khuyên các bạn, những chuyện nhát nhau, dọa nhau, chúng ta không nên làm. Nếu đùa vui thì một tí, một chút thôi, còn tuyệt đối không nên làm những chuyện như thế. Thế gian họ cứ thích những trò chơi như vậy, nhưng chúng ta đã biết nhân, biết quả thì không làm những chuyện đó. Nhân ấy không phải là nhân lành, sẽ cho quả không tốt. Chúng ta nên đem an lành, tự tại, tự tin đến cho nhau, giúp cho nhau thân tâm được quân bình, phát triển tốt, đó là điều cần làm.
Ngoài ra, nếu lợi dụng tín ngưỡng này mà dọa nhau thì sau mình còn mắc thêm tội tà kiến, ví dụ dọa ma bảo tháng 7 có ma nhưng thực ra ma không có đi lang thang, như vậy mình còn bị tổn phước nữa. Chúng ta thấy không phải đơn giản, một việc làm mà chúng ta không suy nghĩ cho kỹ thì kéo theo rất nhiều hệ quả, đó là tổng hợp của bao nhiêu nhân xấu: vừa là tà kiến, vừa làm cho người bất an, vừa phạm vào giới vọng ngữ nói dối thì bao nhiêu quả xấu sẽ trổ ra từ đó. Vậy nên khi gặp việc này, chúng ta nên nói với các bạn ấy: Theo tớ là không nên, điều đó là không tốt và sai rồi, đối với đạo Phật không có chuyện như thế.
(Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh trong video Kinh Bát Đại Nhân Giác - Bài số 2 | Khám phá vườn tâm)