Câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ” và những bài học đầy ý nghĩa về đạo hiếu
Mục Lục [Ẩn]
“Hôm nay, ngoài kia ai khóc mẹ?
Sợ giọt nước mắt này rồi sẽ đến phiên con!”
“Hoa hồng tặng mẹ” có lẽ là câu chuyện không của riêng ai. Bởi một ngày nào đó, chúng ta - ai rồi cũng sẽ mồ côi cha mẹ.
Câu chuyện không chỉ là bài học nhắc nhở chúng ta đừng vô tâm với tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình, trân quý sự hiện hữu của cha mẹ trong cuộc đời của mình mà còn mở ra những bài học về hiếu đạo qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
Kính mời quý Phật tử cùng đón đọc bài viết dưới đây và cùng chia sẻ cảm nhận!
Hoa hồng tặng mẹ: Câu chuyện cảm động về tình mẫu tử
Dừng chân trước cửa hàng hoa, chú bộ đội dự tính sẽ mua một bó hoa thật đẹp để tặng cô bạn gái nhân dịp 8/3. Tình cờ, chú bắt gặp một bé gái đứng thập thò ngoài cửa tiệm. Chú liền hỏi chuyện thì biết rằng cô bé muốn mua hoa tặng mẹ nhưng chỉ có ít tiền nên lo lắng không biết cô chủ có bán hoa cho không.
Cảm nhận được tình cảm của cô bé dành cho mẹ, chú bộ đội ngỏ lời: “Con vào chọn hoa đi, chú cho tiền con mua một bó hoa tặng mẹ”.
Sau khi mua được bó hoa hồng, chú bảo cô bé lên xe để chú đưa về, còn chú sẽ quay lại mua hoa sau. Ngồi trên xe, cô bé chỉ đường đến một khu nghĩa trang ở rất xa: “Kìa là nhà mẹ con ở chú ạ!”. Mãi đến lúc này, chú bộ đội mới nhận ra mẹ của cô bé đã mất.
Nói rồi, cô bé chạy về phía mộ mẹ, nhẹ nhàng đặt bó hoa lên, bật khóc nức nở: “Mẹ ơi! Hôm nay, ngày mùng 8/3, con mua hoa tặng mẹ, mẹ nhận cho con bó hoa này.”
Nhìn hình ảnh cô bé ngồi bên mộ mẹ với những giọt nước mắt lăn dài trên má, chú bộ đội chợt giật mình nghĩ tới người mẹ già ở nhà. Người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi chú khi còn trong thai đến lúc khôn lớn trưởng thành. Vậy mà dường như chú đã bỏ quên đi điều thiêng liêng ấy.
Sau khi đưa cô bé về nhà với bà ngoại, chú quay trở lại tiệm hoa, mua một bó hoa thật đẹp, chú nhanh chóng chạy xe về nhà và tặng hoa cho mẹ. Bởi chú sợ rằng một ngày nào đó, mẹ không còn ở trên đời này nữa…
Ý nghĩa nhân văn của câu chuyện Hoa hồng tặng mẹ
“Hoa hồng tặng mẹ” không chỉ là câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, ngợi ca tấm lòng hiếu thảo mà còn mang thông điệp: Hãy trân trọng mọi giây phút khi cha mẹ còn trên đời. Bởi nếu một mai cha mẹ không còn nữa thì chúng ta cũng không có cơ hội nào để được ở bên quan tâm, chăm sóc cho cha mẹ.
“Cha mẹ” chính là những người đã mang chúng ta đến với cuộc đời này bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến, đã nuôi dưỡng, chăm sóc chúng ta từ tấm bé đến khi trưởng thành. Có thể nói, ân cha nghĩa mẹ rất sâu nặng, không có một từ ngữ nào diễn tả được sự vĩ đại của cha mẹ và tất cả những gì cha mẹ đã dành cho chúng ta.
Vậy nên, chúng ta, với bổn phận làm con, phải ghi nhớ sâu sắc công ơn cha mẹ, phải làm tròn chữ Hiếu của người con khi cha mẹ đang sống với chúng ta để cha mẹ được an vui, hạnh phúc. Theo lời Phật dạy, chúng ta có thể làm cho cha mẹ những điều sau đây:
Ngay trong hiện tại quan tâm cha mẹ bằng những việc làm thiết thực nhất
Nếu đã từng vô tâm với cha mẹ, chúng ta cần phải thay đổi. Hãy nghĩ về công ơn cha mẹ với tất cả tâm thành, thấy cha mẹ là duy nhất trên đời, nếu mất cha, mất mẹ ta sẽ mồ côi, sẽ rất khổ. Cho nên, chúng ta cần quan tâm, chăm sóc cha mẹ hiện tiền bằng những việc làm thiết thực nhất.
Có thể, chúng ta thường dễ nói lời âu yếm với người yêu, dễ nói những lời cảm ơn, xin lỗi với người lạ nhưng lại ngượng ngùng, e ngại khi nói những lời ngọt ngào với cha mẹ mình. Chúng ta quên mất rằng “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha”. Nếu cha mẹ ruột mà mình không yêu thương được thì những người ngoài kia, chúng ta yêu ai chân thành được? Vậy nên, hãy thực tập mỗi ngày để nói những lời yêu thương chân thật đến cha mẹ; dành cho cha mẹ những lời quý nhất, hay nhất bởi họ xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp nhất.
Thứ nữa, chúng ta thực tập những cử chỉ yêu thương với cha mẹ như chải mái tóc cho cha mẹ để thấy được những sợi tóc bạc, những nếp nhăn trên trán của cha mẹ vì mình mà vất vả, hy sinh. Khi cha mẹ đi làm về mệt thì rót nước cho cha, đỡ túi cho mẹ. Chỉ một hành động nhỏ yêu thương từ con, cha mẹ cũng sẽ hạnh phúc vô bờ. Bởi dù khi còn trẻ cũng như lúc về già, điều cha mẹ cần là tâm hiếu hạnh của con cái. Mâm cao cỗ đầy, cha mẹ chưa chắc đã vui bằng bát canh suông nhưng kết tinh tấm lòng hiếu hạnh của con dâng lên cha mẹ.
Không chỉ vậy, chúng ta tập chia sẻ với cha mẹ những khó khăn, lo lắng. Có thể ý kiến đóng góp của chúng ta chưa đầy đủ nhưng nó thể hiện trách nhiệm với việc của cha mẹ. Bên cạnh đó, tự bản thân chúng ta cố gắng sống tốt, sống thiện, sống hạnh phúc cũng làm phần nào bớt đi nỗi lo lắng, để cha mẹ yên tâm hơn.
Dẫn dắt cha mẹ kết duyên với Tam Bảo để cha mẹ được an vui trong hiện tại và nhiều kiếp về sau
Nếu một người con ở trên đời này không trả được hiếu cho cha mẹ thì người con đó gọi là một người thất bại. Bởi sự thành công của đời người không phải được tính bằng danh vọng, tài sản,… mà chính là sự hiếu dưỡng đối cha mẹ của mình.
Và tận cùng sự hiếu dưỡng chính là đưa cha mẹ chúng ta vào con đường giải thoát. Nếu chúng ta chỉ biết chăm sóc cha mẹ bằng quần áo, thức ăn, vật chất,... thì cha mẹ khi còn mang thân này cũng vẫn chịu khổ ải trong luân hồi. Vì thế, chúng ta cần dẫn dắt cha mẹ vào biển Phật Pháp để vô lượng kiếp về sau cha mẹ được đi đến chỗ chấm dứt khổ đau của luân hồi sinh tử.
Những lời nói, việc làm thiết thực trên sẽ làm nảy nở hạt giống hiếu hạnh trong mỗi chúng ta. Từ hạt giống hiếu hạnh này, chúng ta có thể làm được tất cả những việc lớn lao. Còn người đã mất tâm hiếu, người ấy không thành tựu được việc gì cả.
Vì thế, chúng ta đừng vì một lý do gì mà oán trách hay bất hiếu với cha mẹ. Tất cả những gì đang hiện hữu xung quanh mình, dù phúc hay họa mình đang thọ hưởng đều là kết quả của các hành động thiện - ác mà chính mình đã gây tạo từ trước, chứ không phải do cha mẹ sinh ra khiến chúng ta gặp những sự bất như ý. Hãy hiếu với cha mẹ vì cha mẹ là duyên thù thắng để mình tạo phúc và chuyển hóa. Người có tâm hiếu được chư Thiên, Quỷ thần ủng hộ khiến mọi việc được tốt đẹp lên.
Hy vọng câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ” cùng những bài học mở rộng từ Thầy Thích Trúc Thái Minh sẽ khơi dậy nguồn tâm hiếu hạnh trong sáng nơi mỗi chúng ta. Hãy yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ khi còn có thể và đặc biệt, hãy hướng cha mẹ biết đến Phật Pháp, tin sâu nhân quả, bỏ ác làm lành để cha mẹ luôn được an vui trong đời này và nhiều đời về sau.