3 điều cần biết về cúng cô hồn tháng 7
Mục Lục [Ẩn]
Hằng năm cứ đến tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) thì các gia đình thường lập đàn lễ cúng thí cho các hương linh, cô hồn ngạ quỷ phiêu bạt, không nơi nương tựa. Tuy nhiên có rất nhiều quan niệm sai về tập tục cúng cô hồn. Vậy theo góc nhìn đạo Phật, khi cúng cô hồn chúng ta cần biết những điều gì?
Mời quý Phật tử cùng tìm hiểu qua sự giảng giải của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
1. Ai là người cúng cô hồn được?
Theo quan điểm của đạo Phật, chúng ta cúng cô hồn là việc làm có tâm bố thí nên sẽ sinh ra phước báu. Nhưng trước việc lập đàn cúng cô hồn, có nhiều người thắc mắc rằng: Liệu mình có thể tự lập đàn cúng lễ được không hay chỉ người mở điện thờ và các Sư Thầy ở chùa mới được cúng? Và nếu tự cúng thí cho cô hồn thì các chúng sinh ấy có đến quấy phá gia đình không?
Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy bổn phận của người đệ tử Phật ở tại gia nên thiết lập năm loại hiến tế, trong đó có cúng cho các hương linh đã khuất. Cho nên, chúng ta có thể tự cúng cô hồn được, không nhất thiết phải mời thầy cúng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết chúng Tăng là người chân chính tu hành và có giới đức, nếu gia đình chúng ta mời được các Sư Thầy, người xuất gia đến cúng thì chắc chắn sẽ được tốt hơn. Nhờ giới đức các Thầy còn khai thị cho hương linh để các hương linh họ khởi tâm kính trọng từ đó giúp họ được chuyển hóa.
Bên cạnh đó, do hương linh có duyên nợ với chúng ta nên chúng mới đến quấy phá, chứ không phải do chúng ta tự cúng thí mà cô hồn đến. Những trường hợp như vậy thì chúng ta phải có cách giải quyết riêng chuyện duyên nợ. Cũng giống như khách nhà chúng ta, khi mình mời thì mọi người đến ăn, trong đó có những người mình mắc nợ người ta, họ đến ăn nhân thể đòi nợ.
2. Đồ cúng cô hồn có ăn được không?
Có quan niệm cho rằng, không nên sử dụng vật thực đã cúng thí cho các cô hồn mà phải bỏ đi, nếu ăn những đồ cúng đó thì sẽ bị ngu và xảy ra nhiều chuyện không tốt.
Theo góc nhìn của Phật Pháp, quan điểm trên là sai lầm. Bởi vì, khi bỏ thân này thọ sinh sang thân khác thì chúng ta sẽ theo nghiệp phước mà tái sinh trong lục đạo luân hồi và ăn được đồ ăn của cõi đó theo nghiệp. Như bà Thanh Đề đọa địa ngục, tuy rằng rất muốn ăn bát cơm mà Ngài Mục Kiền Liên dâng cúng, nhưng nghiệp lực đói khổ của bà đã khiến bát cơm hóa thành than lửa không ăn được.
Vậy nên, sau khi cúng cô hồn thì những đồ cúng lễ chúng ta hoàn toàn có thể thọ dụng được, không phải bỏ đi. Quan điểm bỏ vật thực sau khi cúng hoặc đem đi bố thí vì ăn vào sẽ bị ngu là sai lầm. Vì nếu các hương linh, cô hồn có thọ thì thọ bằng hương hoặc bằng tưởng do chúng ta cúng cho họ. Bên cạnh đó, cũng có những chuyện ngạ quỷ họ về họ ăn thật.
Trường hợp không thọ thực những đồ cúng thì chúng ta có thể đem đi bố thí. Để việc bố thí được nhiều phước báu nhất, chúng ta phải tôn trọng người nhận thí của mình. Chúng ta bố thí mà giống như thí cùi thì không được phước báu nhiều. Cho nên, tuy rằng đem cho nhưng chúng ta nên cho với tất cả lòng tôn trọng, kính trọng người nhận vật thí của mình.
3. Tại sao trên mâm cúng cô hồn, bát cơm chính giữa được đặt một đôi đũa còn hai bát cơm hai bên chỉ đặt một chiếc đũa?
Việc cúng cho người đã mất phụ thuộc vào rất nhiều tập tục khác nhau. Người Việt Nam ta bị ảnh hưởng từ phong tục thọ mai gia lễ rất nhiều. Theo tinh thần nhà Phật, chúng ta cúng cho hương linh đã khuất ba bát cơm, bát ở giữa là cúng cho vong ăn để đầy đủ một đôi đũa, hai bát hai bên mỗi bát một chiếc đũa.
Người ta thường nói đũa phải có đôi mà bây giờ đũa mất đi một chiếc, tức là đũa bị thiếu, là thể hiện sự mất mát tiếc thương, nhớ nhung, thương nhớ trong lòng của người còn sống gửi cho người đã khuất, hay còn gọi là mượn vật để tả tình; giống như là vợ mất chồng, con mất cha, cháu mất ông. Bên cạnh đó, hai chiếc đũa hai bên còn thể hiện sự cân xứng.
Tuy nhiên, dân gian cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng khi con người chết rồi thành hương linh có hai vị thần đi theo là Tả Thần Quang và Hữu Thần Quang. Khi hương linh về thọ thực thì hai vị thần này cũng về cùng, mà thần thì chỉ ăn một chiếc đũa nên hai bát cơm hai bên đó là để hai vị thần này thọ nhận.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bát cơm chính ở giữa là cúng cho hương linh mới, còn hai bát bên cạnh là cúng cho các hương linh cũ. Vì vong cũ khỏe hơn cho nên chỉ ăn một chiếc đũa, một đôi là chúng hương linh cũ ăn cướp nhanh hết cả phần của hương linh mới. Tuy nhiên hai quan điểm này đều không chính xác.
Ngoài ra, theo góc nhìn của đạo Phật, việc đặt bát cơm ở giữa đặt một đôi đũa, bát cơm ở 2 bên đặt một chiếc đũa còn có ý nghĩa để phá phần chấp trước “phải đầy đủ theo ý tôi” của chúng sinh.
Tuy nhiên, nếu gia đình chưa hiểu hoặc chưa đồng thuận thì chúng ta có thể đặt ba bát cơm ba đôi đũa. Điều này không phải là quy định hay cố định mà khi dâng cúng thì nên có ba bát cơm: bát ở giữa có thức ăn và hai bát bên cạnh không có thức ăn. Như vậy, chúng ta có thể hoàn thành mâm cơm cúng đầy đủ.
Hy vọng, qua lời giảng giải của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử có thêm cho mình những quan niệm đúng đắn về việc cúng cô hồn tháng 7 để có một đàn cúng lễ mang lại lợi ích thiết thực cho cả kẻ còn người mất.