Thầy giáo, thầy tu - trọn vẹn một chữ thầy
Mục Lục [Ẩn]
Chúng ta thường nghe: Chỉ một lần lướt qua nhau trong kiếp này phải 500 lần quay lại nhìn nhau từ kiếp trước. Vậy thì thế gian này thật chẳng điều gì là tình cờ mà tất cả đều hữu sinh, chuyển lưu bởi một chữ duyên. Và cuộc đời của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từ thầy giáo đến thầy tu, ngỡ như là ngẫu nhiên nhưng cũng không nằm ngoài hai chữ nhân duyên.
“Thầy giáo, thầy tu - phải chăng là một sự tình cờ?”
Đứng trên bục giảng khi làm giảng viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng duyên với nghề giáo đã được ươm mầm từ khi cậu học sinh Vũ Minh Hiếu (tên gọi của Thầy trước khi xuất gia) đứng trước ngã rẽ của cuộc đời. Đó là khi 18 tuổi, định hướng cho tương lai; chàng trai ấy đã mong được vào trường Sư Phạm mà không được, bởi gia đình can ngăn: “Trời ơi, sao mà anh này lạc hậu, thời này rồi còn thích làm thầy giáo...?”.
Kể ra cũng đặc biệt! Những năm 80- 90 đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, ai ai cũng ra sức làm kinh tế dựng xây Xã Hội Chủ Nghĩa. Vậy mà cậu học trò thông minh, học giỏi ấy lại chọn ngành có đồng lương ít ỏi, quanh năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen để đi “gõ đầu trẻ”. Phải chăng có một sợi dây nhân duyên vô hình nào đó khiến cậu muốn làm thầy giáo?
Ứớc mơ bỏ ngỏ thành hiện thực
Đúng là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, dù có trắc trở nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, duyên với nghề thầy giáo cuối cùng cũng đến. Cậu học sinh năm nào trở thành giảng viên. Ước mơ bỏ ngỏ ngày nào giờ thành hiện thực. Ước mơ đó giờ còn mạnh mẽ, mãnh liệt hơn vì người thanh niên ấy đã trưởng thành với vốn kiến thức sâu rộng, có thể đào tạo hiền tài cho đất nước.
Đứng trên bục giảng, người giảng viên trẻ luôn ý thức rằng giáo dục rất quan trọng. Nó làm nên nhân cách con người như Bác Hồ từng nói: “Hiền dữ phải đâu do tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Vậy nên, người giảng viên trẻ đã không ngừng cống hiến trí tuệ, cống hiến trái tim để lái đò.
Nhưng trong tâm người giảng viên trẻ lại có những trăn trở: “Đào tạo con người rồi thì sao đây? Cả nhân loại đều phấn đấu hướng tới hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là cái gì? Nó là gì để mình phấn đấu, mình cố gắng?” Vì thế, khi tiếp cận với giáo lý của đạo Phật thì người thầy Vũ Minh Hiếu mới thấy hạnh phúc thực sự là đây. Hạnh phúc chân thật phải ở tự tâm nên Thầy đã quyết định bước chân vào đạo. Đức Phật đã là bậc giáo sư vĩ đại, là nhà giáo dục lỗi lạc tìm ra chân lý đưa chúng sinh về nơi hạnh phúc tối thượng. Vậy thì người thanh niên ấy cũng học theo hạnh nguyện của Ngài mà xuất gia với pháp danh Thầy Thích Trúc Thái Minh để theo bước Như Lai, giúp mọi loài thoát khỏi khổ đau.
Người “thầy giáo” trong chùa
Người tu sĩ cũng là thầy giáo - người thầy mô phạm cho nhân thiên. Người thầy ấy không cần phải thay đổi tân tiến theo thời đại mà chỉ cần giữ cái đức của người làm thầy. Ở bất kỳ xã hội nào, người thầy tu cũng giữ vai trò giáo dục, “làm ra” con người cho nhân loại, đưa con người đi tìm cái hạnh phúc tối thượng, hạnh phúc vĩnh hằng, tuyệt đối. Vì thế, với vai trò là người thầy tu trong chùa, Sư Phụ đã làm trọn vẹn tuyệt đối chữ thầy, đào tạo ra những con người có tài và có đức...
Cũng đã hơn 20 năm với vai trò thầy tu, biết bao người con thành hoa, thành trái dưới sự giáo dưỡng của Người. Nhưng Sư Phụ vẫn luôn tri ân những người đã dìu dắt mình qua dòng sông tri thức và dòng sông sinh tử: “Thầy vẫn nhớ về những người thầy giáo ngày xưa - những người ảnh hưởng nhân cách đến Thầy. Thầy mãi mãi trọn đời tôn vinh, quý kính những người làm giáo”.
Duyên với chữ “thầy” sẽ còn mãi kết hoa
Vậy là, từ thầy giáo dạy đời đến thầy tu dạy đạo; cùng một chữ “thầy” nhưng Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh đã làm trọn vẹn hơn ý nghĩa của người thầy khi xuất gia. Chắc chắn rằng, duyên với chữ “thầy” của Người sẽ lại kết hoa trong vô lượng kiếp về sau. Bởi: “Đời đời kiếp kiếp, Thầy cũng sẽ là thầy giáo; không là thầy giáo ở ngoài đời thì cũng là “thầy giáo” ở trong chùa...”