Những chia sẻ sâu sắc của Thầy Thích Trúc Thái Minh nhân ngày giỗ Tổ Sư Tuệ Bích Phổ Giác
“Đức Tổ sư Tuệ Bích Phổ Giác là đệ tử của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là người tiếp nối dòng thiền của thời Trần sau hơn 300 năm vắng bóng. Ngài đã trụ thế hơn một trăm tuổi, tuy thời gian phôi pha khiến tất cả dấu tích Ngài để lại không còn nhiều nhưng Thầy tin rằng, công cuộc hoằng dương Phật Pháp của Ngài rất lớn.” - Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh.
Từ những chia sẻ của Thầy, kính mời quý vị cùng đọc bài viết để hiểu hơn về công lao của Đức Tổ Sư - người khai sơn chùa Ba Vàng.
1. Quá trình xây chùa Ba Vàng có sự gia hộ rất lớn của đức Tổ Sư Tuệ Bích Phổ Giác
Thầy tin chắc rằng, quá trình Thầy xây dựng tùng lâm Ba Vàng (Bảo Quang Tự) có sự gia hộ rất lớn của đức Tổ Sư Tuệ Bích Phổ Giác. Lần đầu tiên Thầy đến thăm chùa, ngôi chùa rất đơn sơ, với một gian thờ nhỏ bé. Sau khi vào thắp hương, lễ Phật, Thầy bước ra thăm chỗ bia đá có khắc tên của đức Tổ Sư. Vừa thăm bia đá xong, Thầy nghe thấy có tiếng nói vang lên trong không trung là “Phải về đây chịu trách nhiệm!”. Đó là điều hết sức kỳ lạ. Thầy nghĩ giữa Thầy với đức Tổ Sư có nhân duyên rất đặc biệt. Cho nên, trong khi hành đạo tại đây, mỗi khi khó khăn, chướng ngại, Thầy cũng bạch Tam Bảo, bạch đức Tổ Sư xin Ngài hộ trì, che chở. Thầy rất tri ân Ngài!
(Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh trong Lễ Giỗ Tổ Sư Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác lần thứ 263)
Xem thêm: Tiểu sử Sư Tổ chùa Ba Vàng
Từ tấm bia đá của Thiền Sư Tuệ Bích Phổ Giác mới tạo nên công trình chùa Ba Vàng, cho nên tấm bia đá này Thầy rất quý, nếu không có bia đá này, Thầy không làm được việc gì cả. Cũng từ tấm bia đá nên chùa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng; rồi từ công nhận, Thầy mới xin được đất, lúc đầu chùa có 150 mét vuông đến bây giờ quỹ đất là 123 hecta, rộng gấp trăm lần. Cho nên, tấm bia đá chính là tinh thần, hồn cốt của Đức Tổ Sư để lại. Cho nên, di sản thừa tự, tài sản bằng tinh thần, đạo đức sẽ phát sinh phước báu rất lớn.
(Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh trong video “Thầy Thích Trúc Thái Minh nhận được gì Tổ sư chùa Ba Vàng”)
Xem thêm: 3 nhân duyên đặc biệt giữa thiền sư Tuệ Bích Phổ Giác và Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh
2. Thế hệ sau cần nhớ ơn Sư Tổ - khắc ghi cội nguồn để được tốt đẹp
Chư Tăng Ni Phật tử chùa Ba Vàng tổ chức trọng thể, trang nghiêm lễ giỗ của Ngài để nhắc nhở lại tất cả công ơn của Ngài đối với chúng ta. Trong sâu lắng tâm linh, chúng ta biết rằng, khi chúng ta có đầy đủ lòng tin, lòng thành kính thì mạch nguồn vẫn được nối thông, mười phương Tam Bảo, các đức Thánh Tổ vẫn luôn âm thầm gia hộ cho chúng ta. Còn nếu chúng ta không nhớ nguồn cội thì sẽ giống như cây bị chết khi mất đi gốc, dòng suối bị cạn khi nguồn khô nước. Thầy rất mong Tăng Ni, Phật tử chùa chúng ta đều phải khắc ghi và phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn Tổ tông.
(Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh trong Lễ Giỗ Tổ Sư Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác lần thứ 264)
3. Chư Tăng Ni, Phật tử tinh tấn tu hành để đền ơn chư Tổ
Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng chúng ta hết sức cố gắng, bằng sự tu hành, sự dấn thân thật sự của mình, đem tất cả công đức tu tập của chúng ta, dâng lên cúng dường Phật, cúng dường đức Tổ Sư để thiết thực đền đáp ơn của Phật, ơn của Tổ. Đó là món quà tri ân lớn nhất!
(Trích lời Thầy Thích Trúc Thái Minh trong Lễ Giỗ Tổ Sư Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác lần thứ 263)
Xem thêm: Vì sao chư Tăng chùa Ba Vàng tu tập trong rừng?
Dù thời gian trôi qua, vạn vật thay đổi, song ký ức về công hạnh vị tha, rạng ngời của Tổ Sư vẫn không hề phai nhạt. Vì vậy, nhớ đến ân đức của Tổ Sư, mong rằng mỗi chúng ta sẽ luôn tinh tấn tu học cho hương hoa, giới hạnh, giác ngộ giải thoát mãi tỏa thơm, lấy đó làm phẩm vật cao quý nhất dâng lên cúng dường Tam Bảo và đức Tổ Sư!