Khóa sinh học cách tránh xa khẩu nghiệp, còn các bạn đã thử chưa?
Mục Lục [Ẩn]
Khẩu nghiệp là tình trạng chung của giới trẻ và gây ra nhiều những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống toàn xã hội. Nhưng chỉ sau 2 tiếng đồng hồ được nghe lời giảng từ chủ đề “Khẩu nghiệp và quả báo” của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, gần 6000 bạn khóa sinh cùng tình nguyện viên trong khóa tu mùa hè chùa Ba Vàng lần 2 - 2023 đã rút ra được những bài học ý nghĩa để tránh xa khẩu nghiệp. Hãy cùng đón xem, các bạn đã có những bài học ý nghĩa gì nhé!
Học cách kiềm chế cảm xúc trước khi nói
Thời gian ở nhà, Nguyễn Gia Hân - khóa sinh tại nhóm Hương Thảo thường khó kiềm chế được cảm xúc của mình. Nhất là khi nóng giận với bố mẹ, bạn thường im lặng và đi về phòng riêng trút ra những lời bực tức.
Giải đáp về vấn đề của bạn, cũng như của hàng ngàn các bạn khóa sinh khác, Sư Phụ chia sẻ: “Dù có mặt hay khuất mặt bố mẹ, mà các con khởi tâm, nói ra lời bất thiện thì vẫn là tạo khẩu nghiệp. Tuy bố mẹ không nghe thấy, nhưng thực tâm các con vẫn muốn nói những lời thất lễ đến bố mẹ thì cũng là bất kính, bất hiếu với bố mẹ. Điều này, sẽ khiến mình có quả không được tốt đẹp nên các con cần tự mình sám hối hoặc sám hối với bố mẹ”.
“Nhờ Sư Phụ chia sẻ, em thấy bản thân cần phải kiềm chế cảm xúc nóng giận và suy nghĩ kỹ hơn trước khi nói. Bên cạnh đó, em cũng hay chửi bậy, thi thoảng gặp cái gì bực tức là buột miệng nói ra, đây là điều xấu mà em cũng cần phải sửa, vì nếu người khác nghe được, họ sẽ cảm thấy không hay và chính em cũng phải chịu những nhân quả không được tốt đẹp từ lời nói không hay của mình.” - Gia Hân chia sẻ.
Học cách nói ái ngữ với bạn bè
Trong buổi giảng, Sư Phụ dẫn dắt thêm những câu chuyện cụ thể trong kinh Phật nói về nhân quả của khẩu nghiệp để các các bạn khóa sinh dễ dàng hiểu, rút ra bài học thực tế hơn về quả báo của khẩu nghiệp như: câu chuyện của chú Sa-di chê vị Tỳ-kheo tụng kinh giọng như chó sủa và sau phải chịu quả báo 500 kiếp làm chó,...
Bên cạnh đó, Sư Phụ chia sẻ thêm: “Người ta thường nói “Ba năm học nói, cả đời để học lắng nghe”, “Miệng có một cái, nhưng tai có hai cái”. Điều đó, có nghĩa các con phải biết học lắng nghe, học nín, học nhịn, chứ không phải mạnh đâu nói đấy, thích nói gì thì nói. Sau hôm nay, các con thấy khẩu nghiệp rất quan trọng, không thể xem thường. Những câu chuyện mà Sư Phụ kể trong kinh Phật chính là sự thật. Vì thế, những ai từng thóa mạ bạn mình, nguyền rủa bạn mình, rồi chửi cha, chửi mẹ nữa thì cần phải sám hối.”
Những câu nói ấy sẽ đem đến quả không tốt lành, như Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh nói: “Phước đức của mình bây giờ có thể có, nhưng không tu khẩu nghiệp, suốt ngày chỉ trích, phê bình, nói xấu, nói những lời ác lời độc thì phước cũng sẽ tiêu hết.”
Lắng nghe chia sẻ từ Sư Phụ, bạn Đinh Xuân Trường - một khóa sinh đến từ nhóm Trúc Quân Tử chia sẻ: “Em đã từng nóng, giận và mắng mỏ, chửi bới bạn bè, nên đã khiến tình bạn chúng em đi xuống. Thời gian đó, em cảm thấy rất có lỗi vì giận quá làm sứt mẻ tình bạn. Qua lời giảng của Sư Phụ về khẩu nghiệp hôm nay, em sẽ thực hành kiềm chế cơn nóng giận của mình và không phát ngôn những lời cay độc với mọi người nữa, khi trở về, em cũng sẽ nói lời xin lỗi đến các bạn em từng mắng mỏ, chửi bới.”
Bạn Nguyễn Quốc Dương nhóm Osaka cũng bày tỏ điều ấn tượng của mình: “Em thấy bài giảng của Sư Phụ về khẩu nghiệp rất hay và bổ ích, vì trong đời sống em cũng thường nói linh tinh, nói xấu, khiến ảnh hưởng nhiều đến mọi người. Em cũng nhận thấy mình cần rèn sửa, tập dần không nói xấu bạn bè, bởi nói xấu một chút thôi cũng có hậu quả rất lớn, ví như những câu chuyện nhân quả mà Sư Phụ chia sẻ cho chúng em trong chương trình.
Và em cũng thấy khóa tu mùa hè rất lợi ích. Vì anh trai em cũng từng đi Khóa tu mùa hè vào năm ngoái, khi trở về anh đã chuyển biến rất nhiều, từ cách ăn nói cho đến hành động với ông bà, bố mẹ. Chính vì thế, năm nay em bắt đầu đến khóa tu để trải nghiệm những sự thay đổi và quả đúng chỉ sau một bài giảng của Sư Phụ thôi cũng khiến em chuyển biến trong tâm rất nhiều.”
Học cách lắng nghe, tìm hiểu trong giao tiếp
Lắng nghe, tìm hiểu các vấn đề trước khi nói là điều vô cùng cần thiết, bởi nếu nói không đúng sẽ khiến không chỉ người nghe bị ảnh hưởng, mà người nói cũng có những quả không được tốt lành. Điều này đã được Sư Phụ chia sẻ: “Nhiều khi mình chỉ đùa cợt, phỉ báng người khác, tưởng chừng như vô hại. Dù chưa gây ra điều gì to lớn đối với người nghe, nhưng đối với bản thân thì là đang tạo nghiệp. Cho nên thanh niên tuổi trẻ, các con phải rất cẩn thận, giữ miệng. Cái miệng có thể sinh ra phúc báu nhưng cũng có thể chiêu hoạ cho chúng ta.”
Nhận thấy, bản thân mình đã từng rơi vào tình trạng đó, bạn Sa Minh Ngân nhóm Phượng Đỏ bày tỏ: “Em đã từng hùa theo các bạn, kéo bè phái, để trêu một bạn khác. Mặc dù lúc đó, em cũng thấy có lỗi với bạn, nhưng không biết làm như thế nào. Sau buổi giảng ngày hôm nay, em sẽ đến xin lỗi bạn vì những hành động của mình. Em cũng rút ra được kinh nghiệm phải biết tự kiềm chế bản thân để giúp mọi người thoải mái và vui vẻ hơn bên cạnh mình. Và dù câu chuyện như thế nào, cũng cần hỏi rõ ngọn ngành, tìm hiểu để có thể ứng xử được tốt với các bạn, chứ không thể nghe người này, người kia điều qua tiếng lại, mà mình đã cho bạn là người sai.”
Những bài học ý nghĩa khác qua lời giải đáp trên Sư Phụ
Từng lời chia sẻ của Sư Phụ không chỉ gần gũi, dễ hiểu, mà còn giúp các bạn khóa sinh dễ dàng ứng dụng vào trong đời sống, mang lại lợi ích cho chính mình trong đời này và nhiều đời sau. Bên cạnh đó, trong chương trình còn có thêm hoạt động Q&A - khóa sinh bạch hỏi, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giải đáp thắc mắc, khiến các bạn khóa sinh càng thêm sôi nổi và hào hứng trong buổi giảng.
Bạn Nguyễn Anh Quân - nhóm Bồ Công Anh bạch hỏi: Bây giờ con còn trẻ thì phải tu như thế nào để chuyển hóa được khẩu nghiệp ạ?
Sư Phụ giải đáp: “Để chuyển hóa được khẩu nghiệp, đầu tiên các con phải ý thức được tầm quan trọng của lời nói. Lời nói có thể là vàng, nhưng cũng có thể là đao, kiếm sát thương người, là thuốc độc giết hại người. Khi thấy cái gì quan trọng tự nhiên mình phải cẩn thận.
Sau đó các con phải tư duy kỹ trước khi nói, phát biểu. Xem lời nói này có làm người khác đau khổ, tổn thương, mất mát, tổn hại về thanh danh, tiền bạc,... hay không. Nếu lời nói không ảnh hưởng đến điều đó, mà sẽ giúp cho người được phấn khởi, yêu đời, tiến bộ, lúc đó mình mới nên nói. Các con tập như vậy sẽ dần dần chuyển hóa được khẩu nghiệp.”
Bạn Minh Vũ - nhóm Mai Anh Đào bạch hỏi: Nếu như mình cứ khẩu nghiệp rồi lại sám hối thì có tác dụng không?
Sư Phụ giải đáp: “Trong cuộc đời chúng ta nhiều lần phạm lỗi, có khi cũng một lỗi này phạm đi, phạm lại; tuy có phạm nhưng biết sám hối vẫn tốt hơn là không biết sám hối. Nhưng các con phải hiểu nghĩa của chữ sám hối là ăn năn và nguyện trừ bỏ. Nhiều khi các con chỉ sám hối ngoài miệng thôi, sám hối đấy chưa hoàn toàn đúng nghĩa sám hối. Mà phải nhận thức được điều ấy là không tốt, rất xấu, tổn hại, rồi các con nguyện chừa bỏ, điều này mới đúng nghĩa sám hối, chứ không phải vừa mới nói bậy xong sám hối, rồi cứ tiếp tục như thế.”
Những chia sẻ trên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh vừa gần gũi với đời sống, vừa dễ hiểu, khiến hầu hết các bạn khóa sinh ai ai cũng vui vẻ, hân hoan và rút ra được bài học cho mình qua buổi giảng.
–
Khóa tu mùa hè quả thực là một trải nghiệm bổ ích với nhiều bạn trẻ, bởi từ đây sẽ có nhiều bạn trẻ học được điều thiện lành hơn. Cũng như Thầy Thích Trúc Thái Minh từng nói: “Dù 7 ngày không quá dài, những hạt giống thiện lành này không nảy mầm hết. Nhưng mưa dầm thấm đất, hạt giống nào nảy mầm được, thì tốt hạt giống ấy. Bố mẹ không thể ở bên con mãi mãi, nhưng lợi ích từ việc hiểu biết Phật Pháp sớm, sẽ giúp các con vượt qua những vấp ngã về sau…”
Thời gian để các bạn trải nghiệm khóa tu vẫn tiếp tục diễn ra, còn rất nhiều hoạt động giúp phát triển kỹ năng, tư duy,... để các bạn trải nghiệm. Kính mời quý vị cùng theo dõi hành trình 7 ngày bổ ích, kết bạn thiện lành trên trang truyền thông của chùa nhé!