Cùng suy ngẫm: Sống như thế nào ý nghĩa, không uổng phí kiếp người?
Lễ khai Pháp chùa Ba Vàng được diễn ra trang nghiêm, trật tự, an toàn, an vui đúng với truyền thống Phật giáo theo thông bạch của Ban trị sự GHPGVN. Đặc biệt tại buổi lễ, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh khuyên nhủ Phật tử và bà con Nhân dân cùng ngẫm nghĩ về cuộc đời, phải sống như thế nào cho có ý nghĩa để không uổng phí một kiếp người!
Mở đầu, Sư Phụ chia sẻ: Đầu năm khai Pháp là việc rất ý nghĩa và nên làm, thể hiện sự trân trọng, yêu kính giáo Pháp của người con Phật. Vì Pháp là quý báu nhất trong cuộc đời mỗi con người. Có Pháp, chúng ta mới có thể giữ gìn được giới thân tuệ mạng đời này và đời sau - nhiều kiếp được lợi ích.
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh cho biết: Một năm có bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Một đời người cũng có thể chia ra bốn giai đoạn: Tuổi trẻ là mùa xuân, trung niên là mùa hạ, xế chiều là mùa thu và lúc về già là mùa đông.
“Mùa xuân là mở đầu cho một năm, chúng ta cùng nhau nghĩ về cuộc đời của mỗi người” - Sư Phụ gợi mở.
Bởi các cụ thường nói “trăm năm ngắn chẳng tầy gang”. Cuộc đời con người rất ngắn ngủi và biết rằng ai cũng có ngày ra đi nhưng mỗi người ứng xử với cuộc đời một cách khác nhau.
Vì thế, nhân ngày đầu năm mới, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ bài Pháp với chủ đề “Ngày Xuân nghĩ về cuộc đời”. Bài Pháp như một thông điệp nhắc nhủ: nhân ngày xuân, mỗi người cùng ngẫm nghĩ về cuộc đời, phải sống làm sao, sống như thế nào cho có ý nghĩa, không uổng phí một kiếp người. Từ đó, định hướng cho cả cuộc đời này và mãi mãi về sau.
Thông điệp trên được Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chia sẻ qua câu chuyện giữa ông vua Ba Tư Nặc với Đức Phật. Qua đó mỗi người hiểu thêm, ngẫm nghĩ về cuộc đời phải sống thế nào, sống làm sao để thật sự có giá trị.
Ngay bây giờ cần sống đúng chính Pháp và làm các hạnh lành
Cuộc đời luân hồi: sinh, già, bệnh, chết. Trên đời, không ai trốn khỏi tay thần chết. Ngày xuân nói chuyện cái chết vì đây là một sự thật, nhắc nhở chúng ta vui xuân không quên vô thường. Bởi đại quân thần chết có thể đến bất cứ lúc nào.
Trong bài Pháp, Sư Phụ giảng cho đại chúng nội dung văn kinh: Biết được sự thật già, chết chắc chắn sẽ đến, vua Ba Tư Nặc đã bạch Phật rằng, ông không thể làm gì ngoài việc chọn cách sống đúng chính Pháp, chân chính và làm các hạnh lành, các công đức.
Chính Pháp là chân lý, là con đường sáng mà Đức Phật đã thuyết giảng cho chúng sinh. Đây cũng là con đường quang minh chính đại, giúp cho nhân loại, thế giới tốt đẹp.
Trong kinh nói: Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực và hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Như vậy, giáo Pháp của Đức Phật là thiết thực ngay trong đời sống này, không phải để xa xôi, đợi sau khi chết mới ứng dụng.
“Ứng dụng Pháp Phật làm chúng ta được ấm thân mình, an vui thân mình thực sự. Khi hiểu về vô thường, tự nhiên ta không buông lung, cần phải sống chân chính, sống đúng đắn, hiền thiện. Vì nếu chúng ta sống không hiền thiện, sống ác, sống vô luân, sống ác đạo,... thì tự mình làm khổ mình” - Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh.
Còn sống chân chính nghĩa là ngay bây giờ, chúng ta thực hiện những điều giới đức mà Đức Phật dạy, áp dụng vào cuộc sống của mình. Người Phật tử sống giới đức trọn lành, trọn thiện như: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối láo, không say sưa nghiện ngập.
Đồng thời, Sư Phụ cũng chỉ rõ: sống không chắc chắn nhưng chết thì chắc chắn. Đây là sự thật. Ông vua Ba Tư Nặc biết chắc chắn phải chết, không thoát được chết cho nên ông đã chọn sống theo chính Pháp, sống hướng thiện và làm các công đức, phúc lành.
Sư Phụ bày tỏ mong muốn các Phật tử cũng suy nghĩ được điều này, mỗi chúng ta nên học và nên tư duy như ông vua Ba Tư Nặc: biết thần chết chắc chắn sẽ đến, nếu người có trí, hãy chọn cách sống hiền thiện, là người tốt lành.
Chỉ có công đức, phúc báu mới là điểm tựa khi già và chết
Ông Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: dẫu ở trên đời này, làm vương, làm tướng, làm vua với uy quyền, của cải đầy đủ. Nhưng khi thần chết đến, uy quyền, của cải không giúp cho họ một hướng đi, hay một điểm tựa nào.
Ở đời, chúng ta cũng vậy, thường ỷ lại vào rất nhiều thứ. Người ỷ vào tuổi trẻ; người ỷ vào nhan sắc; người ỷ vào địa vị; người cậy ỷ vào dòng họ cao quý; người cậy vào học thức hay tài sản, địa vị cao,...
Nhưng khi thần chết đến, không thể đem những điều đó ra dẫn dụ, mua chuộc được thần chết. Và những điều đó không mở cho chúng ta một hướng đi nào. Tất cả những điều đó cũng không cho ta nương tựa được. Sư Phụ muốn chúng ta suy ngẫm thật kỹ, thật sâu sắc những điều này.
Trong bài kinh, Đức Phật nói với Vua Ba Tư Nặc: “Thưa Đại vương, khi đại vương bị già và chết chinh phục, đại vương có thể làm được gì, ngoại trừ sống đúng chánh Pháp, sống chân chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức”!
Đức Phật cũng dạy rằng: khi già chết đến thì không một ai thoát khỏi, cho dù là vua chúa cho đến thứ dân, giàu sang tột đỉnh cho đến ngèo hèn nhất, cũng không một ai chống chọi được thần già và thần chết!“
Chỉ còn duy nhất một cách là ngay bây giờ phải biết nương tựa vào chính Pháp để sống, đem lại giá trị cuộc đời. Đó là sống đúng chính Pháp, hiền thiện, làm các công đức phúc lành. Đây là điều duy nhất để chúng ta nương tựa được đến ngày cuối cùng chúng ta ra đi” - Thầy Thích Trúc Thái Minh khẳng định.
Trong bài kinh, Đức Phật khẳng định với chúng ta: nếu là người hiền trí, để đối chọi với thần chết thì phải biết lo phần tự lợi của mình. Tức là chính mình phải lo tu tập, đặt lòng tin vào Phật - Pháp - Tăng. Điều này có nghĩa là chúng ta quy hướng Tam Bảo, đem thân, khẩu, ý tu tập, hành trì đúng chính Pháp.
Người làm được điều này được Đức Phật tán thán. Ngay trong đời hiện tại, người đó được an lành, đời sau hưởng phước trời và có xu hướng đến quả Niết Bàn, an lạc vĩnh viễn.
Thế nên, Sư Phụ khuyên nhủ: “Mỗi chúng ta phải chọn mình là con người thiện, dẫu trong đời này mình chưa biết gì đến Phật Pháp. Vì con người thiện tự mình đã được trưởng thượng trong tâm mình. Chính lương tâm khi sống thiện đã ban vui cho mình. Còn sống ác thì “ông quan” tòa lương tâm đã hành khổ thân tâm mình. Cho nên người có trí ở đời này quyết phải chọn con đường thiện, quyết phải trở thành người thiện, phải sống thiện.
Đời vô thường, sống thiện sẽ được an lành
Cuộc đời vốn vô thường theo lẽ tự nhiên. Từ thân tâm đến cảnh giới đều vô thường nên chúng ta không nên bám chấp vào bất kỳ điều gì ở trên đời. Như vậy mới có thể an lành được.
Vạn cỏ cây mùa xuân tươi tốt, mùa đông lại khô héo. Ở đời thịnh rồi suy, suy rồi thịnh là lẽ đương nhiên. Hết xuân, đến hạ, đến thu rồi đến đông tàn. Nhưng khi tâm mình đã chọn sống thiện lành, biết tu dưỡng rồi thì cuộc đời dù biến đổi thế nào, thăng trầm lên xuống ra sao, vùi dập thế nào, chúng ta vẫn an lành được.
Cuối bài Pháp thoại, Thầy Thích Trúc Thái Minh chúc đại chúng một mùa xuân miên viễn, với tâm xuân rạng ngời và an lạc. Đồng thời, mong rằng, qua buổi khai Pháp đầu năm, mọi người hiểu được bài Pháp, sống mỗi ngày trên cuộc đời này thật ý nghĩa, đúng chính Pháp, hiền thiện và lợi ích.