Hen phế quản ác tính đến ngừng tim: Thoát chết vi diệu nhờ Phật Pháp
Mục Lục [Ẩn]
Ngoài trời, mưa như trút nước, sấm chớp đùng đùng. Trong phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai, toàn thân chị Quý run lên lo sợ, nước mắt cứ trào ra,.. chồng chị đang nguy kịch vì hen phế quản ác tính, suy hô hấp cấp, hôn mê, ngừng tim, ngừng tuần hoàn,...
Thời khắc “thập tử nhất sinh”
Một buổi tối, khi hai vợ chồng anh Ưng Ngô Phú Lâm và chị Ngô Thị Quý (ở Tiên Du, Bắc Ninh) vừa về đến nhà, anh Lâm bất ngờ lên cơn hen khó thở.
Tưởng chỉ là cơn hen bình thường như mọi lần, chị Quý mua thuốc xịt hen phế quản cho chồng dùng ngay khi đó. Nào ngờ, cơn hen không cắt được, anh Lâm phải bảo vợ đưa ngay đến phòng cấp cứu bệnh viện huyện để thở bình oxy.
Lạ thay, dù vào phòng cấp cứu, bác sĩ cho anh Lâm thở oxy, thở khí dung, tiêm thuốc hỗ trợ nhưng vẫn không cắt được cơn hen. Bấy giờ, vượt ngoài sức chịu đựng, chân tay anh run rẩy, mồ hôi vã ra như tắm.
Chỉ khoảng 3 phút sau, tiếng máy điện tim rú lên, tiếng các bác sĩ khẩn cấp thông báo: bệnh nhân ngừng tim. Anh Lâm nằm trên giường bệnh, mặt mũi, chân tay tím ngắt, hai mắt trợn ngược lên. Các bác sĩ tiếp tục dùng tất cả mọi biện pháp để cấp cứu cho nhịp tim anh đập trở lại.
Sau đó, các bác sĩ bệnh viện huyện đã chuyển anh Lâm lên bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng: hôn mê, hen phế quản ác tính, ngừng tuần hoàn. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục thăm khám và thông báo cho gia đình chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Tình trạng sức khỏe anh Lâm diễn biến mỗi lúc một xấu khiến tiếp tục phải chuyển lên bệnh viện Bạch Mai, điều trị tại phòng hạ thân nhiệt mới mong có cơ hội tỉnh lại vì tình trạng ngừng tim có thể diễn ra lần nữa. Nhưng ngặt nỗi, chi phí điều trị tại đó rất cao: 120 triệu đồng/ngày. Còn nước còn tát, chị Quý vẫn quyết tâm chạy chữa cho chồng.
Trên đường di chuyển đến bệnh viện Bạch Mai, anh Lâm tím tái, liên tục vật vã, giãy giụa trên xe cứu thương. Người thân và các bác sĩ phải gồng lên, giữ tay chân anh lại để không bị va đập.
Đến bệnh viện Bạch Mai, anh Lâm được chuyển thẳng vào khu cấp cứu A9. Một lần nữa, các bác sĩ lại kết luận tình trạng anh rất nguy kịch, chi phí điều trị sẽ rất cao. Chị Quý bàng hoàng nhưng đành nuốt nước mắt ký giấy cam kết tiếp tục điều trị và chấp nhận mọi nguy cơ có thể xảy ra với chồng mình.
Những lời bạch Phật tha thiết tận tâm can
Đứng ngoài cửa phòng cấp cứu, chị Quý sợ hãi, toàn thân run lên bần bật, nước mắt trào ra trong vô thức. Vốn là một Phật tử tu học Phật Pháp, tin sâu nhân quả, chị cố gắng bình tĩnh lại, chắp tay bạch Phật tha thiết, hồi hướng công đức lục hòa, công đức làm phận sự và công đức tu tập ngày tu Bát quan trai giới tại chùa cũng như tác phúc hồi hướng cho chồng qua khỏi ác nạn này. Chị cũng thành tâm mà phát nguyện chân thật rằng: Khi anh Lâm khỏe lại, hai anh chị sẽ về chùa tích lũy phước báu, phục vụ thập phương nhân dân Phật tử về chùa.
Đúng 4 tiếng sau, anh Lâm tỉnh lại. Chị Quý hạnh phúc không nói lên lời khi nhận được thông báo từ bác sĩ. Dẫu vậy, anh Lâm vẫn phải thở bằng máy thở và ăn sữa bằng ống xông bơm từ mũi vào dạ dày. Tay chân anh vẫn bị trói vào thành giường đề phòng hiện tượng vật vã, giãy giụa, mất kiểm soát mà dứt ống thở ra. Song song với đó, anh vẫn cần dùng thuốc an thần để nghỉ ngơi cho phổi bình phục. Không từ bỏ, chị Quý tiếp tục tha thiết bạch Phật gia hộ cho chồng.
“Nhà chị thật là kỳ tích”
Sau đó, anh Lâm tỉnh táo dần dần. Các sợi dây trói tay, trói chân anh đã được tháo bỏ. Sang ngày hôm sau, anh Lâm hoàn toàn không còn cần thở bằng máy nữa vì có thể tự thở được. Thêm vào đó, anh còn tự ngồi dậy, tự uống sữa và đi vệ sinh được. Tất cả các bộ phận: tay, chân, đầu não,... đều trở lại bình thường chỉ sau 2 ngày.
Chị Quý sung sướng vô cùng. Chị báo tin mừng này cho gia đình khiến ai cũng vui sướng khôn xiết. Rời khỏi phòng cấp cứu, anh Lâm chị Quý vẫn còn hạnh phúc khôn tả bởi câu nói của bác sĩ: “Nhà chị thật là kỳ tích. Chưa có bệnh nhân nào vào phòng cấp cứu tích cực khoa A9 này mà ra khỏi phòng cấp cứu trước 5 ngày mà nhà chị 2 ngày đã được chuyển khoa”.
Cùng lúc đó, chị Quý đi lên thanh toán viện phí cho chồng. Quá ngỡ ngàng, chị Quý không tin nổi vào mắt mình khi chi phí điều trị (sau khi trừ bảo hiểm) chỉ có 2.770.000 đồng (hai triệu bảy trăm bảy mươi nghìn đồng) - một số tiền quá nhỏ so với dự kiến điều trị khi bác sĩ thông báo (120 triệu/ngày).
Vượt qua thời khắc sinh tử cùng chồng, gia đình chị gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các y bác sĩ đã nhiệt tình, tận tâm cứu chữa cho anh Lâm lúc nguy kịch để anh có thể giành lại sự sống. Chị cũng khởi tâm tri ân sâu sắc đến Tam Bảo, trên Sư Phụ cùng chư Tôn đức Tăng Ni chùa Ba Vàng cùng Phật tử Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán). Vì nhờ những nhân duyên ấy mà gia đình chị biết đến Phật Pháp, được thoát khổ bởi Phật Pháp.
Sau lần “thập tử nhất sinh” vì cơn hen phế quản ác tính, cảm nhận được sự vi diệu của Phật Pháp, anh Lâm đã cùng vợ về chùa như đã phát nguyện.
Câu chuyện của gia đình anh Lâm, chị Quý là một trong số rất nhiều những chứng nghiệm tâm linh vi diệu khi nương tựa Tam Bảo, ứng dụng Phật Pháp chuyển hóa khổ đau.
------------
Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ, Đức Phật dạy: Khi bị bệnh, phải sáng suốt hiểu đạo, tùy thời trị liệu cho được an ổn.
Một là: Tứ đại bất hòa nóng lạnh thì cần y dược.
Hai là: Bị tà ma nhiễu loạn thì cần tu niệm kinh giới.
Ba là: Phụng thờ các bậc Hiền Thánh, thương yêu cứu giúp khổ nạn chúng sinh, đem oai thần phước đức bảo bọc quần sinh, dùng đại trí tuệ diệt trừ ấm cái.
Nếu làm được như vậy thì đời này sẽ sống an lành, không bị chết oan. Nhờ giới đức trí tuệ thanh tịnh nên đời đời thường được an ổn. Các câu chuyện chuyển hóa vi diệu nhờ tu tập Phật Pháp của các Phật tử vừa rồi cũng chính là minh chứng cho lời Phật dạy kể trên.
Chúc các đạo hữu tinh tấn, chứng nghiệm được Phật Pháp và được hưởng hạnh phúc ngay trong hiện tại!