Điều đặc biệt khi làm lễ Hằng thuận ở chùa
Câu hỏi về lễ Hằng Thuận:
Kính bạch Thầy, con thấy gần đây người ta làm lễ kết hôn ở chùa rất là nhiều. Con không hiểu tại sao trong chùa lại có thể làm lễ kết hôn như thế ạ? Kính xin Thầy giải đáp cho con được hiểu.
Thầy Thích Trúc Thái Minh trả lời:
Kính thưa đại chúng!
Lễ kết hôn ở chùa hay còn gọi là lễ Hằng thuận, đối với Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Nam tông hầu như rất ít thực hiện nghi lễ này. Còn những ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc tông chúng ta những năm gần đây, làm các lễ Hằng thuận ở chùa rất nhiều.
Nguồn gốc lễ Hằng thuận
Trong Phật giáo có câu chuyện như thế này:
Thời ấy, Đức Phật về thăm lại kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Buổi thăm ấy đúng vào ngày mà Vương tử Ma Ha Nam cưới vợ, cho nên tất cả kinh thành đến cung thỉnh Đức Phật và Tăng đoàn đến dự đám cưới của Vương tử Ma Ha Nam. Đức Phật đã đến tham dự và chứng minh. Ngài đã ban lời dạy cho vợ chồng Vương tử Ma Ha Nam về bổn phận làm vợ, bổn phận làm chồng, bổn phận làm cha, làm mẹ, rồi cha mẹ đối với con cái như thế nào và rất nhiều bổn phận khác. Có lẽ, đây cũng là một sự kiện đặc biệt khi Đức Phật đi dự một đám cưới như thế. Còn đến thời nay, chư Tăng rất ít khi đến dự đám cưới, vì đến đám cưới của người nhà tại gia, mọi người ăn, uống, nhậu nhẹt, hát ca, chúc tụng những bài hát của thế gian không phù hợp với các Thầy.
Theo như Thầy tìm hiểu, lễ Hằng thuận đầu tiên ở Việt Nam là của gia đình Phật tử bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Tám tổ chức cho con gái đầu lòng tại chùa Từ Đàm, Huế vào năm 1930. Đây chính là lễ cưới đầu tiên ở chùa trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
"Hằng thuận" nghĩa là gì?
Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa mới chính thức đặt tên cho lễ kết hôn ở chùa là lễ Hằng thuận. “Hằng thuận” có nghĩa là mãi mãi thuận hòa. “Hằng” là mãi mãi, thường hằng; “thuận” là hòa thuận. Vợ chồng mãi mãi thuận hòa thì gia đình hạnh phúc, êm ấm, vì “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Đối với chùa chúng ta, từ những năm tháng đầu Thầy về đây rất khó khăn nhưng Thầy cũng đã tổ chức lễ Hằng thuận cho các đôi tân lang, tân nương. Và chùa mình là một trong những ngôi chùa điển hình ở phía Bắc làm lễ Hằng thuận đã được đưa lên các chương trình truyền hình của VTV.
Điều đặc biệt khi tổ chức lễ hằng thuận ở chùa
Ai đã dự lễ Hằng thuận rồi thì đều biết đây là một buổi lễ rất trang nghiêm, rất ý nghĩa và sâu sắc, khác hẳn đám cưới tại gia. Đám cưới ở tại gia, mọi người đến chúc mừng rồi ăn uống, tặng quà, phong bì xong ra về. Còn lễ Hằng thuận ở chùa thì tân lang, tân nương được nghe rất nhiều về lời Phật dạy, được lễ cha, lễ mẹ,... rất nhiều ý nghĩa! Ai đã dự rồi đều rất hoan hỷ và xúc động vô cùng.
Cho nên, có rất nhiều gia đình Phật tử và kể cả không phải Phật tử cũng đăng ký về chùa để làm lễ Hằng thuận. Thầy tin rằng những cặp đôi mà được làm lễ Hằng thuận tại chùa chắc chắn sẽ được nhiều phước báu. Vì chúng ta vừa được về chùa lễ Phật, cúng dường; rồi lại được thọ trai ở chùa (tức là ăn chay, không sát sinh). Còn nếu cưới ở nhà là phải sát sinh biết bao nhiêu bao gà, vịt, bao nhiêu con vật, có khi còn mất đi phước lành. Thế rồi, chúng ta lại được nghe lời giáo huấn của chư Phật, của chúng Tăng rất ý nghĩa và lợi ích.
Tuy rằng lễ Hằng thuận còn mới mẻ đối với Phật giáo miền Bắc, nhưng Thầy rất mong cũng sẽ nhiều chùa biết tổ chức lễ Hằng thuận để gieo duyên rộng rãi cho mọi người được kết duyên với Phật Pháp. Khi một cặp vợ chồng được làm lễ Hằng thuận thì sẽ trở thành Phật tử. Sau đó, con cháu người ấy sẽ thành Phật tử. Đấy cũng là cái duyên lành làm cho Phật Pháp được lớn mạnh, phát triển. Thầy kính chúc đại chúng tinh tấn tu học Phật để hiểu thêm các giá trị của Phật Pháp và phương tiện tùy duyên của đạo Phật.