Hành trình của chàng họa sĩ trẻ dành cả tâm huyết vẽ tranh tặng Sư Phụ
Mục Lục [Ẩn]
- Nhân duyên gì đã giúp anh chị biết đến chùa Ba Vàng?
- Anh chị thay đổi như thế nào từ khi biết đến chùa Ba Vàng?
- Tại sao anh lại quyết định vẽ chân dung của Sư Phụ?
- Trong quá trình vẽ tranh Sư Phụ, anh có thấy điều gì đặc biệt?
- Anh gặp phải những khó khăn gì khi vẽ tranh Sư Phụ?
- Cảm xúc của anh như thế nào trong quá trình mang bức tranh về chùa?
Khi nhận được thông báo các ngày tu học định kỳ hàng tháng được tổ chức trở lại gần 4 tháng dài xa cách, chắc hẳn những Phật tử đang tu học dưới mái nhà chung Ba Vàng đều rất vui mừng, hạnh phúc. Ngay từ buổi chiều trước ngày tu học 30 âm lịch diễn ra, đã có rất nhiều Phật tử hân hoan về chùa, trong đó có gia đình Phật tử Phùng Văn Lam và chị Nguyễn Thị Thảo ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Lần trở lại nhà lớn này rất đặc biệt với anh chị, bởi đây không chỉ là ngày tu học bình thường, mà anh chị còn được thỏa lòng ước mong là được gặp Sư Phụ và kính dâng lên Sư Phụ bức tranh chân dung tự tay anh Lam vẽ bằng cả tấm lòng.
Kính mời quý Phật tử cùng theo dõi câu chuyện dưới đây để tìm hiểu về hành trình của đôi vợ chồng trẻ nhé!
Nhân duyên gì đã giúp anh chị biết đến chùa Ba Vàng?
Phùng Lam: Tôi biết đến chùa Ba Vàng từ năm 2014, do một người bạn giới thiệu và gọi ra chùa để vẽ tranh. Tôi được phân công vẽ ở khu vực Chính điện. Trong khoảng 3 tháng vẽ tranh trên chùa, tôi thấy mọi người sống và làm việc với nhau rất tình cảm. Mặc dù công việc tất bật nhưng ai cũng hào hứng, trên khuôn mặt hiện rõ sự hạnh phúc, không biết mệt mỏi vừa làm vừa hát những bài hát Phật giáo rất vui vẻ. Tuy rằng, thời gian đó khá ngắn, nhưng đầu óc, con người tôi nhẹ nhàng, ít suy nghĩ về những điều khiến mình phiền não.
Lúc ở chùa, tôi không được gặp Sư Phụ. Tôi chỉ biết đến Thầy qua lời kể của bạn bè và các Phật tử. Tôi nhớ khi ấy, chùa còn đang xây dựng, nhiều công trình chưa được hoàn thiện, cảnh quan còn thô sơ, dang dở. Tuy nhiên mấy năm gần đây chùa thay đổi rất nhiều, quang cảnh đẹp hơn, đường sá đi lại thuận tiện, tạo điều kiện cho các Phật tử, các Đạo tràng được thuận duyên về chùa tu học.
Trước khi lên chùa, tôi chưa biết gì về Phật Pháp, ở nhà tôi cũng không hay đi chùa. Nhưng sau khoảng thời gian về chùa vẽ tranh tôi dần dần thích đi chùa hơn. Hiện nay, tôi đã trở thành Phật tử chùa Ba Vàng và sinh hoạt cùng một số đạo hữu ở Thanh Hóa; hy vọng đợt tới có đủ số lượng thành viên có thể thành lập Đạo tràng để tu tập tốt hơn.
Nguyễn Thảo: Tôi biết đến chùa Ba Vàng từ chồng mình, anh đi làm về có kể lại cho tôi những điều học được từ chùa, về một số kiến thức Phật Pháp. Tôi thấy rất hay rồi từng chút tôi bén duyên dần với chùa Ba Vàng.
Anh chị thay đổi như thế nào từ khi biết đến chùa Ba Vàng?
Phùng Lam: Trước khi biết đến Phật Pháp, tôi là một người nóng tính. Ở nhà đôi khi vợ chồng hay to tiếng với nhau; các con những lúc không ngoan, không làm theo ý của bố mẹ thì tôi hay đánh các cháu. Nhưng từ khi về chùa, được nghe Sư Phụ giảng Pháp, tôi biết đó là duyên nghiệp của bản thân và tất cả mọi sự việc sướng khổ đều do tâm tạo ra. Nếu tâm biết hướng thiện, suy nghĩ những điều tốt lành, giảm tham - sân - si thì những hành động, việc làm của mình đều theo tâm đó mà thành. Từ đó, tôi biết quán chiếu bản thân, thực hành những lời dạy của Sư Phụ, tâm tôi đã biết lắng xuống, bình tĩnh khi giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và kết quả là bản thân mình cũng thấy hạnh phúc và tự tại hơn.
Nguyễn Thảo: Từ ngày gia đình biết đến chùa Ba Vàng được học Phật Pháp, cuộc sống có những thay đổi tích cực hơn. Vợ chồng tôi sống tốt, hòa thuận với nhau, con cái cũng ngoan hơn. Đặc biệt, khi được nghe những bài giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh về hạnh hiếu, tôi đã hiểu hơn về bổn phận của người làm con. Tôi đã biết thực hành, biết nói những lời yêu thương, vào ngày lễ đã biết mua những món quà biếu cha mẹ. Mặc dù, trước đó tôi thương ông bà nhưng tâm tôi chưa sâu lắng, chỉ biết thương để đó mà chưa có hành động thiết thực.
Tại sao anh lại quyết định vẽ chân dung của Sư Phụ?
Hàng tháng, tôi đều sắp xếp công việc để về chùa tham dự buổi tu học Bát quan trai vào ngày mùng 8 âm lịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra nạn dịch COVID-19, thực hiện theo quy định của Nhà nước, chùa đã tạm dừng các hoạt động tôn giáo nên tôi và các Phật tử không thể về chùa được.
Ở nhà, tôi có tu tập theo chương trình hướng dẫn của chùa, nhưng tôi vẫn rất buồn, rất nhớ chùa. Lúc ấy, trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ, sau này khi được về chùa tôi muốn có một món quà gì đó ý nghĩa để dâng lên Sư Phụ. Vì biết vẽ nên tôi quyết định sẽ tự tay vẽ một bức tranh chân dung Sư Phụ. Đây là món quà mà tôi rất tâm huyết, chứa đựng tâm tư, tình cảm chân thật của tôi trong đó.
Trong quá trình vẽ tranh Sư Phụ, anh có thấy điều gì đặc biệt?
Phùng Lam: Khi vẽ tranh chân dung Sư Phụ thì trong tâm tôi rất vui, rất hạnh phúc, bởi được vẽ bức tranh người mình tri ân, người mình tôn kính. Trước kia Thầy là người dạy học, bây giờ là người dạy đạo cho mình. Khi có cảm xúc thực sự thì mình sẽ truyền được “cái hồn” vào bức tranh. Vẽ tranh ở ngoài đời chỉ là lo cơm áo gạo tiền, còn khi vẽ bức tranh Sư Phụ bằng cả tấm lòng thì bức tranh sẽ có hồn hơn rất nhiều.
Nguyễn Thảo: Khi chồng tôi vẽ tranh Sư Phụ thì tôi thấy anh dồn hết tâm huyết để hoàn thành bức tranh. Chồng tôi đã vẽ nhiều bức chân dung, nhưng lần này tôi thấy anh rất chăm chút, có hôm đến giờ cơm mà quên cả thời gian, cứ miệt mài vẽ.
Anh gặp phải những khó khăn gì khi vẽ tranh Sư Phụ?
Tôi đã vẽ nhiều thể loại tranh, trong đó cũng từng vẽ tranh chân dung. Nhưng Sư Phụ là một người Thầy tôn kính, người dạy đạo cho mình nên khi vẽ chân dung Thầy tôi không gặp nhiều khó khăn. Mặc dù phải nhìn ảnh Sư Phụ qua màn hình điện thoại nhỏ nhưng tôi dành hết tâm huyết, cảm xúc vào bức tranh nên cũng dễ dàng bắt được “cái thần” và “cái hồn” của Sư Phụ. Sau chừng 5 ngày, tôi đã hoàn thành xong bức tranh, nhìn thành quả tôi thấy thoải mái và hài lòng vì tranh cũng giống Sư Phụ được khoảng 90%. Nhưng để bức tranh dâng lên Sư Phụ được đẹp nhất, “có hồn” nhất thì 1, 2 ngày tôi ngắm nhìn lại bức tranh xem còn chỗ nào chưa ổn thì cố gắng khắc phục, dặm lại để tranh được đẹp hơn.
Cảm xúc của anh như thế nào trong quá trình mang bức tranh về chùa?
Phùng Lam: Khi cùng các đạo hữu từ Thanh Hóa về chùa, tôi thấy hơi run và có chút hồi hộp. Trong lòng tôi lúc đó luôn nghĩ đến Sư Phụ, muốn dâng tranh tặng Sư Phụ để tri ân sự dạy dỗ của Thầy. Nhờ Sư Phụ mà cuộc sống vợ chồng tôi hòa hợp hơn, công việc vẽ tranh của tôi cũng thuận lợi hơn.
Nguyễn Thảo: Trước đây, hàng tháng thì chúng tôi đều sắp xếp về chùa ít nhất một lần, mà dịp này lâu lắm rồi mới được về chùa. Lần này mang theo bức tranh, hai vợ chồng rất vui, phấn khởi và hào hứng. Mong nhanh chóng đến chùa để dâng bức tranh lên Sư Phụ - người mà chúng tôi tri ân, người Thầy dạy đạo giúp cho cuộc sống của chúng tôi tốt hơn, có ý nghĩa hơn rất nhiều. Xin cảm ơn anh chị đã chia sẻ câu chuyện của mình!
Trở về chùa sau chuyến hành trình dài, hai vợ chồng người họa sĩ trẻ đã thành kính dâng tặng bức tranh mà mình dành trọn tâm huyết lên Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh. Đặc biệt hơn, Sư Phụ đã tự tay mở và chụp hình kỷ niệm với các Phật tử cùng bức tranh mà họa sĩ Phùng Lam sáng tác.
Qua đây, chúng ta thấy món quà tuy nhỏ, nhưng chứa đựng ý nghĩa và tình cảm vô cùng lớn của Phật tử Phùng Lam. Lần tu học này có lẽ đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp khó quên đối với gia đình Phật tử Phùng Lam. Không những được về chùa sau thời gian dài xa nhớ vì COVID-19, được tham gia các chương trình tu học ý nghĩa mà còn có đủ nhân duyên gặp được Sư Phụ để dâng tặng bức tranh từ chính tâm thành của mình.
Mong rằng, gia đình họa sĩ Phùng Lam và các Phật tử chùa Ba Vàng sẽ ngày càng tinh tấn tu tập, vững lòng tin nơi Tam Bảo để mang lại những lợi ích thiết thực cho bản thân và mọi người xung quanh!