Gần 7 vạn người tham gia: Điều gì khiến đại lễ Phật đản chùa Ba Vàng thu hút đến thế?
Mục Lục [Ẩn]
Năm 2023, số người tham gia đại lễ Phật đản chùa Ba Vàng tăng gần 3 vạn so với năm ngoái. Đây là một con số ấn tượng, khiến không ít người thắc mắc lễ Phật đản tại chùa Ba Vàng có gì thu hút, mà có hàng trăm chư Tăng quốc tế, chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN và hàng vạn nhân dân, Phật tử tham gia mỗi năm.
Quy mô lớn mang tầm cỡ quốc tế
Đến lễ Phật đản chùa Ba Vàng, bạn có thể cảm nhận được ngay quy mô lớn mang tầm cỡ quốc tế, bởi sự có mặt của gần 200 chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN và chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức GHPG của 12 quốc gia trên thế giới; cùng hàng vạn nhân dân, Phật tử trong và ngoài nước về tham dự.
Một điểm đặc biệt tại đại lễ năm nay là các bài hát song ngữ Anh - Việt được thể hiện trong đêm văn nghệ kính mừng Phật đản (diễn ra vào ngày 2/4/Qúy Mão) và đại lễ Phật đản 2023 (diễn ra trong sáng ngày 3/4/Qúy Mão). Đây là những bài hát do Phật tử Phạm Thị Yến - chủ nhiệm CLB Cúc Vàng chùa Ba Vàng sáng tác lời, mang ý nghĩa về sự kiện đản sinh của Đức Phật, giúp phần nào gắn kết những người con Phật trên thế giới về đây tham dự.
Trong gần 2 ngày diễn ra đại lễ, ngoài những chương trình hân hoan, náo nhiệt, quy mô lớn; còn có nét linh thiêng, ý nghĩa riêng, giúp nhiều người khẳng định được Phật giáo là một tôn giáo tâm linh lớn và không ai có thể chối bỏ được những giá trị lâu đời, vững chắc của Phật giáo.
>> Xem thêm: Mây phủ kín bầu trời: Sự linh ứng về thời tiết trong đại lễ Phật đản Chùa Ba Vàng 2023
Tất cả mọi thứ đều miễn phí
Gần 7 vạn người tham dự, tương ứng với gần 7 vạn suất cơm, hàng ngàn lít nước, sự phục vụ trông giữ xe cho hàng ngàn phương tiện đi lại,... Đây quả thực là một con số khổng lồ và đều được miễn phí tất cả từ A đến Z.
Nhắc đến chùa Ba Vàng, không chỉ trong dịp Phật đản mà bất kể thời điểm nào trong năm, chỉ cần đến đây thì tất cả mọi thứ đều là miễn phí. Sở dĩ tất cả đều miễn phí như vậy là từ mong mỏi của Thầy Thích Trúc Thái Minh:
“Thầy nghĩ rằng, chùa là của muôn dân. Thầy mong mỏi, ai về chùa cũng cảm thấy gần gũi, thân thương như được trở về ngôi nhà của mình. Các con đến chùa, đói thì xuống bếp xin cơm, khát đi tìm nước uống, thấy chùa bẩn thì đi quét, thấy cây héo thì đi tưới nước, coi đây như việc nhà mình vậy. Thầy sẽ biến ngôi chùa Ba Vàng trở thành ngôi nhà chung của tất cả mọi người, ai về đây cũng được như vậy”.
Một ngôi chùa có nhiều người trẻ
Chúng ta thường có một định kiến là người trẻ sẽ ít đi chùa. Nhưng khi đến lễ Phật đản chùa Ba Vàng, chúng ta sẽ không thấy như vậy, đại lễ có rất đông các bạn trẻ tham gia.
Lễ Phật đản chùa Ba Vàng sẽ không khiến những bạn trẻ cảm thấy nhàm chán, bởi dù ở độ tuổi nào, mọi người đều cảm nhận được không khí hân hoan, tươi vui rất đặc biệt.
Đại đức Sanitwong Wuttiwangso - Trưởng ban truyền thông chùa Dhammakaya Thái Lan bày tỏ cảm xúc: “Tôi nghĩ ở chùa Ba Vàng có nhiều thế hệ trẻ, nhiều người đến vui lễ và làm thiện nguyện. Các bạn trẻ đã cùng góp sức của chuẩn bị buổi lễ. Và các bạn trẻ đến chùa là điều rất quan trọng vì thế hệ trẻ là tương lai của Phật giáo. Chúng ta phải lấy giáo pháp của Đức Phật để truyền dạy cho thế hệ trẻ học để thực hành trí tuệ của Đức Phật và hoàn thiện bản thân, để làm một người tốt.”
Sự cung kính luôn thể hiện trong đại lễ
Sự cung kính của nhân dân, Phật tử cũng là một điều gây ấn tượng mạnh cho khách Tăng khi đến chùa Ba Vàng tham dự Phật đản.
Hòa thượng Phrabhavanadhamvides - Phó trụ trì chùa Dhammakaya Thái Lan rất ấn tượng và chia sẻ rằng: “Nhiều người từ thanh thiếu niên, đến người tuổi trưởng thành, và cả những người lớn tuổi tham gia; họ luôn cung kính các Sư Thầy. Vậy nên, khi chúng tôi thấy cách họ cung kính với Sư Phụ của họ, chúng tôi thắc mắc làm cách nào Thầy ấy có thể chỉ dạy cho các Phật tử cung kính và lịch sự như vậy.”
Ngoài ra, Hòa thượng cũng chia sẻ thêm: “Tất cả mọi người đều rất náo nhiệt. Khi nhìn thấy các Phật tử, tôi nghĩ rằng chư Tăng cũng sẽ rất hoan hỷ và Phật tử, nhân dân thấy chư Tăng tụ hợp chắc hẳn cũng rất hoan hỷ. Vì thế không khí tại đây trở nên bình yên và rất hạnh phúc. Tôi tin chắc một ngày không xa, người dân Việt Nam đều sẽ theo đạo Phật và hoà hợp, cũng như có được sự hạnh phúc trên cả nước.”
Lễ hội rực rỡ đa sắc màu thể hiện sự hòa hợp thế giới
Các Phật tử trong và ngoài nước đã mang những tà áo dài, những trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam như Thái, Mông, Dao,.... cùng những bộ trang phục Hanbok đến từ Hàn Quốc, Sari đến từ Ấn Độ và các trang phục truyền thống khác từ Thái Lan, Lào,… đến lễ hội và tạo nên một không gian đa sắc màu mà rất hài hòa, nổi bật giữa núi rừng chùa Ba Vàng.
Hòa Thượng Tiến sĩ Thích Đức Tuấn - Uỷ viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, chủ tịch GHPGVN tại Châu Mỹ cũng bày tỏ ấn tượng của mình với đại lễ Phật đản chùa Ba Vàng: “Phải nói là muôn màu muôn vẻ, cũng có những trang phục của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Myanmar,… rất nhiều trang phục truyền thống của các nền văn hóa và dân tộc trên thế giới. Đấy là sự kết hợp đa văn hóa hết sức quý báu và đặc biệt trong mùa Phật đản.
Điều này nói lên rằng, Việt Nam đã và đang sẵn sàng để hội nhập quốc tế. Đó là lý do vì sao có nhiều màu sắc, nhiều văn hóa cũng như nhiều dân tộc trên thế giới hiện diện tại chùa Ba Vàng ngày hôm nay. Và điều đó cũng nói lên tinh thần hòa hợp, tinh thần hòa bình của người con Phật của chúng ta.”
–---
Trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều điều ấn tượng tại đại lễ Phật đản chùa Ba Vàng. Lễ Phật đản chùa Ba Vàng mỗi năm lại có những điều đặc sắc, mới lạ rất riêng. Mời quý vị tham dự vào năm sau để cảm nhận không gian lễ hội linh thiêng và độc đáo này.