Có hay không sự việc “chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức”?
Mục Lục [Ẩn]
Gần đây, dư luận lại được phen xôn xao và hoang mang trước những thông tin về việc báo cáo thu chi tiền công đức tại các di tích. Đặc biệt, từ khóa “chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức” lại càng gây chấn động hơn.
Liệu có hay không sự việc này? Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết tại bài viết dưới đây!
Nhầm lẫn nhỏ hay sự cẩu thả, cố ý của những nhà báo thiếu lương tâm?
Ngày 21/7/2023, Bộ Tài chính vừa có báo cáo số 119/BC-BTC gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo kết quả thí điểm kiểm tra vấn đề quản lý tiền công đức tại tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.
Tại chân trang số 3 báo cáo có nội dung: “Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo (trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức tốt)”.
Cụm từ “di tích”, “không có số liệu báo cáo” được nêu trên là thông tin chính xác và khách quan.
Thế nhưng, ngày 22/7/2023, đồng loạt một số tờ báo đã giật tít, thay đổi ngôn từ một cách hoàn toàn:
- “50 di tích” được chuyển đổi ngay thành “50 chùa”
- “Không có số liệu báo cáo” thành “không báo cáo”
Đáng chú ý hơn, cụm từ “chùa Ba Vàng không báo cáo” lại được gán kèm đầy trên các mặt báo và nhắc đến nhiều lần.
Là người Việt, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta không khó để hiểu: ngữ nghĩa của các cụm từ này quá khác nhau, không thể đánh đồng. Vậy mà những phóng viên, nhà báo lại dễ dàng nhầm lẫn đến thế sao?
Cụ thể:
- “Di tích” và “chùa” là hai khái niệm khác nhau
Khái niệm “di tích” bao hàm rộng hơn, không chỉ gồm chùa mà còn cả nhà thờ, thánh đường, thánh thất, nhà nguyện, lăng tẩm, miếu mạo cho đến nhà thờ họ,...
Quy kết “50 di tích” thành “50 chùa” thì rốt cục các nhà báo kia có ý đồ gì? Bởi một tỉnh, khi có đến 50 chùa không báo cáo tiền công đức thì chẳng còn là chuyện nhỏ. Ngòi bút này liệu có phải đang gây chia rẽ dân tộc, mất đoàn kết tôn giáo, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam?
- “Không có số liệu báo cáo” khác hoàn toàn “không báo cáo”
“Không có số liệu báo cáo” có thể do chưa kịp làm báo cáo hoặc không có yêu cầu cần phải làm báo cáo dẫn đến không có số liệu.
Còn “không báo cáo” là thẳng thừng khẳng định sự chống đối, phản đối, phản kháng, không chấp hành, không hợp tác.
Thật buồn khi các đầu báo lại không có sự nhìn nhận thông tin một cách rõ ràng, chỉ chăm chăm khẳng định “Chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa KHÔNG báo cáo tiền công đức” như vậy.
Lý giải sự việc báo cáo tiền công đức
Thầy Thích Trúc Thái Minh, Phó trưởng ban Thông tin Truyền thông TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Ba Vàng cho biết 02 lý do mà Bộ tài chính không có số liệu báo cáo tiền công đức như sau:
Thứ nhất, không hề có một đoàn kiểm tra nào đến chùa Ba Vàng trực tiếp kiểm tra việc thu chi tiền công đức;
Thứ hai, chùa Ba Vàng cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào yêu cầu nhà chùa phải nộp báo cáo thu chi tiền công đức.
Như vậy, không đoàn nào đến kiểm tra, không có yêu cầu nhà chùa nộp báo cáo thu chi tiền công đức thì cơ sở đâu mà cho rằng: chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức?
Cho đến tận ngày 24/7/2023, cán bộ Ủy ban nhân dân Thành phố Uông Bí mới đến chùa Ba Vàng và trực tiếp giao công văn về việc báo cáo tiền công đức. Đây là lần đầu tiên chùa Ba Vàng nhận được công văn đề nghị làm báo cáo.
“Bút sa gà chết” - Ảnh hưởng như thế nào?
Việc xuyên tạc sai sự thật này khiến ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều đối tượng có liên quan.
Thứ nhất là chùa Ba Vàng
Từ thông tin sai sự thật trên các bài báo lá cải, chùa Ba Vàng bị công chúng hiểu nhầm là cố ý chống đối pháp luật; chống đối chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; che giấu, không minh bạch tiền công đức.
Thứ hai là Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Với việc đưa ra con số 50 ngôi chùa tại một tỉnh “không báo cáo tiền công đức”, các bài báo như ngầm ám chỉ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đang chống đối pháp luật; chống đối chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; che giấu, không minh bạch tiền công đức.
Thứ ba là Bộ Tài Chính
Khi báo cáo của Bộ Tài Chính gửi Thủ tướng Chính phủ ghi một đằng, nội dung các báo lại viết sai lệch hẳn sang một nẻo, nên không ít thì nhiều, chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng.
Thứ tư là nền báo chí Cách mạng
Báo chí Việt Nam còn được gọi là báo chí Cách mạng, rất trong sáng, tích cực. Nhưng với những sự “câu” view thế này thì thật khó để tin tưởng được các thông tin trên mặt báo. Tuy vẫn còn rất nhiều những nhà báo có lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, nhưng thử hỏi, ngay cả văn bản của Cơ quan nhà nước mà một số báo còn đưa thông tin sai như vậy thì truyền thống tốt đẹp gần 100 năm của báo chí Cách mạng Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng hay không?
Thứ năm là nhân dân
Nguy hại hơn, một đối tượng rộng lớn hơn nữa bị định hướng sai sự việc, cũng có thể coi là nạn nhân thứ năm của sự kiện truyền thông này chính là nhân dân.
Người dân có quyền nhận được thông tin một cách trung thực, khách quan, chứ không phải những thông tin giật gân, sai lệch như thế này.
Nhà Phật dạy: Phải biết ẩn ác, dương thiện. Những người cầm ngòi bút phải biết nêu cao những tấm gương tốt đẹp và ẩn đi những cái xấu xa.
Nếu trên mặt báo lúc nào cũng toàn là những điều tệ hại thì làm sao xã hội tốt đẹp được?
Những kiến nghị chính đáng
Ngay sau khi các bài báo “mượn gió bẻ măng - tung hoành giật tít” sự việc chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức, các trang truyền thông đưa tin hoạt động của chùa đã ra thông cáo, bác bỏ và kết luận những thông tin sai sự thật.
Tại đây, đã có rất nhiều nhân dân, Phật tử vào bình luận thể hiện quan điểm của mình trước những thông tin không đúng.
Nhận thấy thông tin “chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức” (là thông tin sai sự thật) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền pháp chế và giảm đi sự uy nghiêm của pháp luật, Đại đức Thích Trúc Thái Minh kiến nghị Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời chấn chỉnh những hiện tượng báo chí như thế này.
Đồng thời, Thầy cũng bày tỏ mong muốn các Phật tử và nhân dân hiểu đúng sự thật, không dao động, vững lòng tin nơi Tam Bảo và nơi đường lối chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta hãy cùng nhau phát nguyện tu tập tinh tấn, giữ giới của Phật, đặc biệt là giới không nói dối để xây dựng một xã hội, một đất nước giàu mạnh, tràn đầy niềm tin và tình người, đầy yêu thương và hạnh phúc.
Không thể phủ nhận sức mạnh của việc giật tít trên các trang báo sẽ lôi cuốn, thu hút người đọc nhưng nếu giật tít mà biến tấu lệch chuẩn, sai hoàn toàn sự thật thì lại rất đáng lo ngại. Mong rằng, độc giả chúng ta sẽ sáng suốt khi tiếp nhận các thông tin và có được những góc nhìn đúng đắn.
Về sự việc này, quý Phật tử và các bạn nhìn nhận như thế nào, hãy chia sẻ tại phần bình luận nhé!