Cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực - ai cũng cần biết
Mục Lục [Ẩn]
- 05 bước để giải tỏa cảm xúc tiêu cực
- Bước số 01: Hiểu rõ nhân quả là có thật để chấp nhận những điều không vừa ý
- Bước số 02: Phải nhận diện và đối diện với cảm xúc tiêu cực
- Bước số 03: Tìm hiểu trạng thái cảm xúc, xem nó đến từ đâu?
- Bước số 04: Lấy Pháp của Phật để soi tỏ
- Bước số 05: Dùng chính tư duy để giải quyết vấn đề
- Hóa giải cảm xúc tiêu cực: Điều các bạn khóa sinh khóa tu “Thắp sáng trí tuệ” đã học được
Kiểm soát cảm xúc tiêu cực là điều rất khó khăn, thậm chí không ít người vì cảm xúc tiêu cực mà áp lực, trầm cảm, thậm chí tìm đến tự tử.
Nhưng chỉ sau gần 2 tiếng đồng hồ lắng nghe chia sẻ từ Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh về cách hóa giải cảm xúc tiêu cực, các bạn trẻ tại khóa tu mùa hè chùa Ba Vàng lần 4 - 2023 (trong độ tuổi từ 18 - 30) đã biết cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực của mình.
05 bước để giải tỏa cảm xúc tiêu cực
Bước số 01: Hiểu rõ nhân quả là có thật để chấp nhận những điều không vừa ý
Để hóa giải được cảm xúc tiêu cực, điều đầu tiên, chúng ta phải hiểu rõ nhân quả là có thật, đã gieo nhân ắt sẽ gặt quả, dù quả ấy có là quả ác, quả khổ thì cũng phải chấp nhận đối diện, dám chịu trách nhiệm, không thể chối bỏ, trốn chạy được. Những cảm xúc tiêu cực như buồn, chán, lo lắng, sợ hãi, phiền não,... chúng ta đang gặp là quả và quả này phải xuất phát từ những nhân (hành động, suy nghĩ,..) bất thiện mà chúng ta đã gieo.
Và những nhân bất thiện ấy lại bắt nguồn từ tâm tham, sân, si; cho nên thường hành động việc gì từ tâm tham lam, ích kỷ, sân giận, thù oán, bảo thủ, chấp trước thì đều đem đến quả buồn khổ, tâm lý tiêu cực sau này.
Ví dụ, một người ham làm giàu nhanh, ham có tiền nhanh, họ sẽ có hành động tìm cách vay tiền, thậm chí có thể vay số tiền lớn để đầu tư làm ăn. Nhưng sau đó không thành công, vừa mất tiền, lại vừa trở thành con nợ. Và từ đó, buồn khổ sẽ đến, mà nó đến thì phải chấp nhận, vì đây là nhân quả từ tâm tham.
Bước số 02: Phải nhận diện và đối diện với cảm xúc tiêu cực
Mỗi chúng ta cần phải nhận diện được cảm xúc này, mình đang buồn thì biết rõ buồn đang xuất hiện trong tâm. Chúng ta phải chính niệm nhận diện, chứ không phải trốn chạy cảm xúc bằng cách tìm đến rượu, đánh bạc hay làm những điều bất thiện và nghĩ rằng làm điều này để quên đi cảm xúc tiêu cực.
Không chỉ vậy, khi chúng ta tìm đến những việc làm không tốt đẹp thì buồn lại càng thêm buồn. Bởi cảm xúc thế nào thì hành động cũng theo chiều hướng như vậy: người đang buồn, hành động sẽ theo tâm buồn, đang bực sẽ hành động theo tâm bực, đang tuyệt vọng sẽ hành động theo tâm tuyệt vọng; thậm chí có người làm những điều rất dại dột theo cảm xúc của mình. Vậy nên, cần phải nhận diện được cảm xúc, để nó không tác động đến chúng ta.
Bước số 03: Tìm hiểu trạng thái cảm xúc, xem nó đến từ đâu?
Để thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, chúng ta cũng cần tìm tòi xem cảm xúc buồn, bực, chán nản đến từ đâu? Có những cảm xúc từ thân xác sinh ra, ví dụ như bị bệnh khiến chúng ta bực bội, buồn chán. Có những cảm xúc từ tâm sinh ra, như tâm mong cầu, chấp trước.
Nhưng lại có những cảm xúc ngoài thân tâm này, xuất phát từ môi trường hay cảnh bên ngoài (con người, sự vật, sự việc) đem đến. Ví dụ, hôm nay đi thi trượt, rồi đi gặp đối tác bị hủy hợp đồng, chính các sự việc đó khiến mình tiêu cực.
Và khi nhận diện được manh mối của cảm xúc tiêu cực, chúng ta đã thấy cảm xúc tiêu cực giảm đi rất nhiều rồi. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm được manh mối, sự xuất phát của các cảm xúc tiêu cực đó. Vậy nên, nếu không tìm thấy manh mối, chúng ta có thể chỉ nhận diện, đối diện cảm xúc, bởi chính sự nhận diện này giúp tâm trí sáng hơn và không còn bị cảm xúc chi phối nữa.
Bước số 04: Lấy Pháp của Phật để soi tỏ
Đức Phật dạy rằng: Vạn sự vạn vật đều vô thường, tức là sẽ có sự thay đổi. Chúng ta dù buồn nhưng cũng sẽ có lúc hết, không thể buồn được mãi. Tiếp theo là vô ngã, tức mọi thứ đều không có cái gì là bản thể, là ta, của ta. Cái gọi là có ta và của ta là điều khiến chúng ta khổ rất nhiều.
Ví dụ, con hàng xóm mất thì ta không khổ, vì nó không phải con ta, nhưng nếu là con ta mất thì ta khổ vì nghĩ rằng nó là của ta, con ta là của ta, tất cả vì chữ “của” mà khổ.
Nếu chúng ta biết ứng dụng, tư duy chính Pháp Phật, thì những cảm xúc tiêu cực sẽ hóa giải rất nhanh.
Bước số 05: Dùng chính tư duy để giải quyết vấn đề
Chúng ta phải dùng chính tư duy để giải quyết vấn đề. Bởi vấn đề, hậu quả mang đến cho chúng ta cảm xúc này. Và cách tư duy để giải quyết vấn đề phải là cách sinh thiện, tăng trưởng thiện, ngăn ác, diệt ác; chứ không giải quyết vấn đề theo chiều sinh ác, tăng trưởng ác.
Điều này mới có thể làm lắng dịu và hóa giải cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Nếu không tư duy để giải quyết vấn đề, thì mình vẫn tiếp tục gặp phải những cảm xúc đó.
Tư duy để nhận rõ sự thật (nhận diện về tâm), có phương pháp giải quyết cũng thuộc về thiền, chỉ có cách như vậy thì vấn đề mới có thể giải quyết triệt để. Và chỉ khi thấy đúng sự thật thì lòng mới có thể thanh thản được, mặc dù vấn đề vẫn còn, nhưng lòng không còn khổ.
Hóa giải cảm xúc tiêu cực: Điều các bạn khóa sinh khóa tu “Thắp sáng trí tuệ” đã học được
Gần 3.500 khóa sinh cùng tình nguyện viên đã lắng nghe sự chia sẻ trên Sư Phụ và hầu hết đều tìm được cách để hóa giải cảm xúc tiêu cực của mình.
Bạn Trần Long nhóm Hải Đăng chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tâm lý của mình có vấn đề, tinh thần lúc ấy gần như bị mắc bệnh, chính vì thế mình đã tìm về khóa tu mùa hè. Và sau khi được lắng nghe Sư Phụ chia sẻ, mình đã nhận ra điều khiến tâm lý mình không được ổn định.
Do mình đã có suy nghĩ “của ta” quá nhiều, luôn muốn kiểm soát mọi thứ và mong cầu ở người khác nhiều, đến khi họ làm không đúng như mong muốn của mình thì lại thắc mắc “tại sao mình làm được, họ không làm được”. Và cũng từ đó, mình đặt áp lực lên chính mình và người khác, mặc dù người đó chính là những người gần gũi với mình nhất.
Nhiều khi mình cũng thương họ và nghĩ tại sao lại làm như thế. Nhưng thật may mắn, Sư Phụ đã giúp mình buông bỏ được những điều tiêu cực và có lối thoát cho chính mình nếu gặp lại tình huống khiến bản thân trở nên tiêu cực. Bên cạnh đó, khi trở về nhà, mình sẽ tiếp tục tập thiền để tư duy vững về những điều mình đã học được trong khóa tu.”
Bạn Hoàng Bích Ngọc nhóm Thanh Trúc cũng chia sẻ: “Trước đây, mình tự tìm cách để giải quyết cảm xúc tiêu cực của chính bản thân, có thể ngồi yên một chỗ hoặc mình đi bộ để thư giãn, nhưng cảm xúc tiêu cực ấy qua đi rồi lại quay trở lại.
Điều này đúng như những gì Sư Phụ chia sẻ, do mình không giải quyết cảm xúc ấy triệt để nên cảm xúc ấy tiếp tục lặp lại. Vì vậy, mình sẽ thực hành theo cách Sư Phụ đã hướng dẫn, bởi nó sẽ giúp mình dễ dàng vượt qua, giải quyết được triệt để cảm xúc tiêu cực hơn.”
Những chia sẻ từ Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh vừa gần gũi với đời sống, vừa dễ hiểu, giúp hầu hết các bạn khóa sinh ai nấy cũng vui vẻ, hân hoan và học được cách kiềm chế, đối diện để vượt qua cảm xúc tiêu cực cho chính mình.
–
Trên đây là những chia sẻ vô cùng hữu ích chắc chắn sẽ giúp ích được cho các bạn trẻ đang tiêu cực trong đời sống. Việc loại bỏ cảm xúc tiêu cực có thể cần quá trình lâu dài, nhưng nếu áp dụng, quyết tâm thực hành các bước trên, bạn sẽ có kết quả tốt đẹp!