Muốn trải nghiệm sự an bình khó quên - đừng bỏ lỡ không gian “Tu sĩ và núi rừng” chùa Ba Vàng
Đến chùa Ba Vàng vào một buổi chiều thứ bảy, nắng vàng nhè nhẹ, Tết đã qua nhưng sắc xuân vẫn còn vương vấn, tôi bị chú ý bởi một không gian mới lạ phía trái cổng Tam quan nội.
Sự tò mò kéo tôi đến gần với dòng chữ: “Tu sĩ và núi rừng”. Một câu hỏi bất giác lóe lên trong tôi: “Tu sĩ và núi rừng là thế nào nhỉ?”. Chính câu hỏi ấy đã dẫn tôi vào không gian này và giúp tôi có trải nghiệm mới lạ về những người sống trong rừng - điều tôi chưa từng tưởng tượng được trước đó.
“Mãn nhãn” với không gian check-in lý tưởng
Có thể các bạn trẻ sẽ yêu thích những góc chụp trong không gian này, bởi nó mang phong cách đơn giản mà lại cực kỳ thanh lịch, nghệ thuật.
Như tôi, khi đặt chân vào đây, đã ngay lập tức bị thu hút theo một cách khó lý giải. Không chỉ ở thiết kế đặc sắc mà còn bởi những bức ảnh mô tả phần nào đời sống tu tập của các Thầy trong rừng - đời sống lạ kỳ mà tôi chưa từng biết đến trước đây.
Tông màu ấm trong không gian tre nứa mang đến một cảm giác thật gần gũi, dễ chịu. Bố cục đối xứng từ những chi tiết trang trí tạo nên hiệu ứng chiều sâu thị giác, khơi gợi sự tò mò và thúc đẩy bước chân tôi đi xa hơn để ngắm nghía, chụp hình và tìm hiểu.
![Bạn trẻ chụp ảnh tại không gian giới thiệu đời sống tu tập của chư Tăng chùa Ba Vàng](https://media.thaythichtructhaiminh.com/files/thanh_tu/2023/03/22/khong-gian-gioi-thieu-doi-song-tu-tap-cua-chu-tang-2148.jpg)
Bạn trẻ chụp ảnh tại không gian giới thiệu đời sống tu tập của chư Tăng chùa Ba Vàng
Bên cạnh đó, “nhân vật chính” trong không gian này - những bức ảnh về các Sư Thầy cũng được bày trí khéo léo, hài hòa. Điều này khiến tôi càng xem càng thích thú, kích thích trí tưởng tượng hòa mình vào núi rừng, cảm nhận về cuộc sống của các Thầy.
![Những bức tranh khắc họa khung cảnh núi rừng đem đến những cảm nhận về cuộc sống của người tu sĩ](https://media.thaythichtructhaiminh.com/files/thanh_tu/2023/03/22/buc-tranh-su-phu-2149.jpg)
Những bức tranh khắc họa khung cảnh núi rừng đem đến những cảm nhận về cuộc sống của người tu sĩ
Hơn cả một điểm check-in, đó là một hành trình cảm xúc
Bước từng bước tiến sâu hơn trong không gian này, tôi được trải nghiệm những câu chuyện khiến thay đổi hẳn hình dung và cảm xúc vốn có về những người tu sĩ.
Tôi không nhớ chính xác không gian ấy có bao nhiêu bức tranh, nhưng mỗi bức tranh đều đem đến một sự xúc động. Mặc dù chúng mô tả những hoạt động khác nhau nhưng điểm chung đều toát lên sự tĩnh lặng, an nhiên. Thoáng suy nghĩ trong đầu tôi bấy giờ là: sao các Thầy sống khổ như thế mà vẫn tự tại được nhỉ?
Nhất là những ngày mưa, khi tôi chỉ muốn ngồi yên vị trong nhà, nếu có phải ra đường, chắc chắn sẽ đem theo bộ mặt hậm hực cùng tiếng thở dài. Còn các Thầy, với cuộc sống trong rừng, những ngày mưa to gió lớn như thế, vẫn không rời rừng, mọi sinh hoạt, tu tập hàng ngày vẫn diễn ra.
Đặc biệt, tôi có ấn tượng rất mạnh với hình ảnh đôi bàn chân chai sần, nứt nẻ. Thật khó để có thể tưởng tượng quãng đường mà đôi chân ấy đã đi qua, trên đá nhọn, gai góc, trên đường rừng hiểm trở, ngày ngày, tháng tháng.
![Bạn trẻ xúc động cung kính trước hình ảnh đôi bàn chân chai sần, nứt nẻ của Quý Thầy](https://media.thaythichtructhaiminh.com/files/thanh_tu/2023/03/22/ban-tre-xuc-dong-truoc-hinh-anh-cua-chu-tang-2149.jpg)
Bạn trẻ xúc động cung kính trước hình ảnh đôi bàn chân chai sần, nứt nẻ của Quý Thầy
Với những người trẻ như tôi, thật khó từ bỏ cuộc sống đầy thú vui ngoài kia để trở về tĩnh lặng như các Thầy. Việc này làm tôi thắc mắc: điều gì đã khiến các Thầy từ bỏ tất cả, giữ vững được ý chí giữa vô vàn khó khổ như vậy?
Tôi đến hỏi chuyện những hướng dẫn viên và được biết: Tất cả những điều này đều xuất phát từ tâm nguyện của Thầy trụ trì muốn xây dựng một Tăng đoàn như thời Đức Phật còn tại thế để nhiều người được biết đến Phật Pháp, làm lợi ích cho số đông. Chư Tăng vì cảm phục tâm nguyện ấy và cũng có chí nguyện đi trên con đường này nên tu tập theo sự giáo dưỡng của Thầy.
Tôi chưa hiểu hết về “lợi ích” cho số đông là như thế nào. Nhưng dựa trên những nhìn nhận của tôi khi bước đến đây, câu trả lời có lẽ là vì các Thầy có lý tưởng noi theo Đức Phật, giúp cho nhiều người được nhận những điều tốt đẹp. Để mỗi người, khi đến chùa lễ Phật hay vãng cảnh, được nhìn hình ảnh các quý Thầy trang nghiêm, được nghe một bài giảng cũng sẽ tìm thấy sự bình yên, một điểm tựa giữa những chông chênh trong cuộc sống.
![Quý du khách chăm chú theo dõi từng bước chân trong ảnh](https://media.thaythichtructhaiminh.com/files/thanh_tu/2023/03/22/du-khach-cham-chu-theo-doi-2151.jpg)
Quý du khách chăm chú theo dõi từng bước chân trong ảnh
![Du khách chăm chú lắng nghe các hướng dẫn viên giới thiệu về đời sống tu tập của chư Tăng bổn tự](https://media.thaythichtructhaiminh.com/files/thanh_tu/2023/03/22/du-khach-lang-nghe-huong-dan-vien-gioi-thieu-2151.jpg)
Du khách chăm chú lắng nghe các hướng dẫn viên giới thiệu về đời sống tu tập của chư Tăng bổn tự
Bước ra khỏi khu “Tu sĩ và Núi rừng”, đứng trên sân chính điện rộng lớn, tôi chợt vui vì vừa khám phá được một điều rất lạ, viết tiếp vào tâm hồn tôi những dòng chữ tuyệt vời về một trải nghiệm tuyệt vời.
Nếu trước đây, những dòng chữ ấy chỉ là những món ăn, điểm đến đơn thuần; thì nay lại là những con người rất lạ kỳ - những người đi ngược dòng đời, sống cuộc sống không giống ai nhưng sự an lạc, tự tại thì ít ai sánh bằng.
Mỗi người một cảm nhận khác biệt khi đến nơi này, có thể bạn sẽ nhận ra nhiều giá trị khác, mà tôi cũng không nhận ra. Nếu như có cơ hội về chùa Ba Vàng, nhất định đừng bỏ qua không gian “Tu sĩ và Núi rừng” để khám phá và trải nghiệm “hành trình cảm xúc” đặc biệt này, bạn sẽ bất ngờ lắm đấy!