25
156

Trùng tang: Nguyên nhân và cách hóa giải

Thế giới tâm linh, 06/01/2023 17:40
25
156

Câu hỏi về trùng tang:

Con kính bạch Thầy! Hồi tháng hai năm ngoái, ông nội con đã mất do tuổi già sức yếu và hưởng thọ 89 tuổi. Đến tháng 10, bố con cũng đã mất do bệnh lâu năm và hưởng thọ 68 tuổi. Nhiều người cho rằng nhà con như vậy là trùng tang. Vậy con xin Thầy giải thích cho con hiểu: Trùng tang là gì? Và trùng tang có đem lại điều gì xấu cho gia đình cũng như tổ tiên đã mất của nhà mình không ạ? Con xin thành kính tri ân công đức của Thầy ạ!

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trả lời:

Kính thưa quý Phật tử!

Trùng tang là gì?

Câu chuyện chết trùng hay còn gọi là trùng tang đã trở thành một “vấn nạn” cho rất nhiều gia đình. Khi nhà có người mất, gia đình thường rất lo lắng và đôn đáo chạy đi tìm thầy bói hỏi xem: “Người nhà có bị chết trùng không?”; “Trùng ngày tháng năm nào?”; “Bị trùng tang bao nhiêu cái?”;... Nếu thầy bói phán có trùng tang là cả nhà hoảng sợ. Bởi “trùng tang liên táng” tức là tang trùng nhau, chôn liên hoàn khiến mọi người rất sợ hãi. Ví dụ như trong 49 ngày của một người chết hay trong một năm đó có thêm mấy người trong gia đình chết liền nhau thì gia đình, dòng tộc rất lo lắng. Từ đó, câu chuyện chết trùng phủ trùm lên rất nhiều gia đình, nhất là đối với những gia đình sau khi xảy ra tang lễ.

Chuyện chết trùng đang là nỗi lo lắng của nhiều gia đình hiện nay

Chuyện chết trùng đang là nỗi lo lắng của nhiều gia đình hiện nay

Quan niệm và nguyên nhân dẫn đến trùng tang dưới góc nhìn đạo Phật

Với tinh thần đạo Phật, chuyện “thần trùng”, “quỷ trùng” hay “Diêm Vương”, “quỷ sứ” bắt hương linh dẫn về nhà để bắt con cháu đi theo là hoàn toàn không có thật.

1. Nguyên nhân của việc trùng tang

Trong đạo Phật, chuyện sinh tử của cuộc đời chúng ta hoàn toàn do nghiệp. Chúng ta là phàm phu, việc sinh ra là con của ai, ở gia đình nào, địa vị, xứ sở ra sao, v..v... tất cả là do nghiệp. Chúng ta chết ở nhà, chết ngoài đường, ngoài chợ hay trên đất hoặc ngoài sông nước, chết bệnh tật hay an lành,... cũng đều do nghiệp mình đã tạo ra.

Cho nên, chúng ta hoàn toàn bị nghiệp lực chi phối việc sinh tử. Còn đối với các bậc Thánh đã chứng đắc Thánh quả, các Ngài đã tự tại với việc sinh tử nên các Ngài tùy duyên mà sinh ra hoặc tùy nguyện mà ra đi.

Đối với đạo Phật, trong gia đình, dòng tộc chúng ta đều có sự cộng nghiệp hay đồng nghiệp với nhau nên sinh về trong một gia đình, làm con cái của cha mẹ, anh em hoặc họ hàng với nhau. Nếu một gia đình, dòng tộc mà người này chết rồi những người khác chết theo sau đó là do có sự đồng nghiệp. Nghiệp chi phối sinh ra hiện tượng trùng tang chứ không phải do “thần trùng” như quan niệm dân gian.

2. Quan niệm sai lầm về trùng tang

Ở dân gian, người ta quan niệm nếu chết vào ngày, tháng, năm trùng hoặc giờ trùng, đặc biệt là bốn ngày Dần, Thân, Tỵ, Hợi thì thường bị trùng tang. Từ đó, có rất nhiều người phải đi đến nơi này nơi kia để nhốt vong, không cho vong về nhà vì họ sợ rằng vong về sẽ dẫn theo quỷ đến bắt người thân của mình.

Đây là quan niệm mê tín, sai lầm và không có đạo lí. Ví như cha mẹ cả đời nuôi nấng, chăm sóc cho mình, đến khi cha mẹ vừa mất, mình đi xem bói và nghe rằng cha mẹ mất vào giờ trùng, mình liền về nhà làm lễ nhốt vong không cho về nhà. Đây là hành động thể hiện con cái từ cha mẹ, đã phạm ngay vào tội bất hiếu – một trong những tội phải chịu quả báo nặng nhất.

Chúng ta thử nghĩ, nếu mình là cha mẹ, có ai bảo mình về bắt con cháu mình đi, liệu mình có bắt không? Mình sẽ chống cự lại và bảo: “Không, con tôi nó phải sống!”. Bởi nếu có tình thương chân thật thì không ai về bắt con bắt cháu mình đi khi con cháu còn đang sống khỏe mạnh và nuôi nấng vợ con. Khi sống cha mẹ thương con như thế nào thì khi chết cha mẹ vẫn thương như vậy, chứ không phải chết là hết tình thương. Dù là “quỷ sứ” có về bắt, cha mẹ vẫn sẽ chống cự, bảo vệ con. Đó là tình yêu thương của cha mẹ.

Vậy nếu chúng ta do sợ chết trùng mà làm lễ nhốt vong cha mẹ, ông bà vào địa ngục là chỗ tra tấn thì chúng ta liệu còn có lương tâm? Cho nên, việc đem nhốt vong của cha mẹ, tiên tổ, người thân là hoàn toàn không đúng với đạo lí. Chúng ta nhớ câu “Nghĩa tử là nghĩa tận.”. Người Việt mình có tính rất nhân văn, dù giận nhau, trách nhau đến mấy nhưng khi người ta đã chết là hỷ xả, buông bỏ hết những giận hờn và mong cho nhau những điều tốt đẹp. Vậy việc thần trùng bắt người nhà hay quỷ trùng bắt hương linh về chỉ điểm bắt người nhà là hoàn toàn không đúng với tinh thần đạo Phật.

3. Câu chuyện 5 thầy Tỳ kheo suýt chết vì cộng nghiệp trong tiền kiếp

Trong thân nhân, dòng tộc chúng ta, nếu có những người chết tiếp theo sau những người chết trước là do có sự cộng nghiệp với nhau. Thầy xin kể một câu chuyện trong kinh Pháp Cú:

Thời đó, có năm Thầy Tỳ Kheo đi về thăm viếng Đức Phật. Trên đường về, năm Thầy Tỳ Kheo ghé qua một bản làng để khất thực. Do trời đã muộn nên sau khi độ ngọ xong, các Thầy xin được nghỉ lại trong một cái hang ở núi bên cạnh bản này. Dân làng tiễn các Thầy ra hang để nghỉ. Đến nửa đêm động đất, một tảng đá rất lớn ở trên núi rơi xuống, bịt kín cửa hang.

Sáng hôm sau, dân làng ra thấy tảng đá chặn ở cửa hang nên đã dùng hết tất cả các phương tiện để lấy hòn đá ra nhưng cũng không lấy được (vì thời đó không có nhiều phương tiện như máy đào, máy xúc như bây giờ nên dân làng cũng không thể làm gì hơn). Năm Thầy ở trong đó không tìm ra phương pháp nào để ra ngoài nên đành chấp nhận cái chết. Trong hang lạnh lẽo, không có cơm ăn, nước uống, các Thầy ngồi thiền tu và đợi chết.

Đến ngày thứ 7, một cơn địa chấn xuất bỗng hiện khiến hòn đá tự lăn đi, rời khỏi hang. Lúc này, năm Thầy bước ra từ hang, trông Thầy nào cũng rất xanh xao, gầy gò. Dân làng biết tin, vui mừng ra đón. Họ đưa các Thầy về chăm sóc để các Thầy hồi phục sức khỏe lên đường về thăm Phật.

5 Thầy Tỳ Kheo về thăm Phật

5 Thầy Tỳ Kheo về thăm Phật

Khi các Thầy Tỳ Kheo về tới nơi, Đức Phật đã biết hết mọi chuyện nhưng Ngài vẫn hỏi: “Các ông đi đường có bình an không?” Năm Thầy trình bày hết sự thật về nạn suýt mất mạng của các Thầy và xin Đức Thế Tôn chỉ dạy các Thầy đã gieo nhân gì mà phải chịu quả báo như vậy.

Đức Phật mới bảo: “Trong tiền kiếp, năm ông là năm chú bé chăn trâu. Khi thả trâu ra ngoài đồng, năm chú bé đi bắt những con châu chấu, cào cào để chơi. Hôm ấy, năm chú bé nhìn thấy một con rắn mối chạy qua, các chú hò nhau đuổi bắt con rắn mối. Con rắn mối mới chui vào một cái hang nhỏ. Năm chú bé không có cách nào để bắt được nó nên đã nghĩ ra cách lấy hòn đá bịt cửa hang lại là rắn sẽ chết. Năm chú đi tìm hòn đá bịt cửa hang rồi chiều dắt trâu về.

Một tuần sau, các chú lại đi chăn trâu đúng chỗ ấy. Một chú nhớ ra tuần trước cả nhóm có nhốt một con rắn mối trong hang, bây giờ thử đào ra xem nó còn chết hay sống. Năm chú ra tìm hang ấy, cạy hòn đá ra thì thấy con rắn mối lò dò bò ra. Lúc này, năm chú bé chăn trâu thấy con rắn gầy gò, tong teo, run rẩy liền khởi lòng thương tha cho nó. Do ác nghiệp trong tiền kiếp cùng nhau làm việc ác như vậy nên bây giờ, năm chú bé (tức là năm ông) cùng nhau trả quả báo là bị nhốt vào hang. Nếu chú rắn ấy mà chết thì kiếp này, năm ông cũng sẽ chết ở trong hang”.

Vậy là năm chú bé chăn trâu trong tiền kiếp, kiếp này sinh ra làm năm vị Tỳ Kheo đồng phải một nghiệp quả hay còn gọi là đồng nghiệp. Trong nhân quả nói rất rõ: Nếu chúng ta cùng tạo ác thì đến khi trả quả, chúng ta cũng sẽ cùng trả quả với thời gian diễn ra cũng gần tương tự.

Cho nên, việc trong gia đình có người mất, sau một thời gian lại có những người tiếp theo mất liền nhau thì đấy là do nghiệp quả đang trổ.

Cách hóa giải trùng tang

Phật dạy chúng ta phải biết tu tập để chuyển hóa. Thầy đã từng hướng dẫn nhiều gia đình sau khi có người mất, đi xem bói thầy bói phán là trùng tang, nói rằng trong năm nay sẽ có ba người trong nhà chết khiến cả gia đình hoảng loạn. Tuy nhiên, sau khi được quý Thầy hướng dẫn gia đình tu tập, quy y Tam Bảo, thực tập giữ giới của Phật, phát tâm bố thí, cúng dường, làm phước như từ thiện, giúp đỡ các bệnh nhân, người nghèo khổ, người tai nạn,... để tăng trưởng đức tin và phước báu thì gia đình rất an ổn và không có vấn đề gì.

Cho nên, quý Phật tử phải tin vào lời Phật dạy, rằng: Trên đời này không ai có quyền bắt người khác chết, ông trời cũng không có quyền. Cái chết của chúng ta phải đủ duyên nghiệp. Khi quả nghiệp đã trổ, chúng ta sẽ phải trả. Đáng lẽ bây giờ, chúng ta phải trả quả nghiệp này nhưng do chúng ta tạo những duyên mới, biết tu thân, giới, tâm, tuệ, làm tất cả các việc thiện phước nên nghiệp được chuyển hóa.

1. Câu chuyện chú tiểu thoát chết nhờ cứu sống cả đàn kiến

Thầy dẫn thêm một câu chuyện: Có chú tiểu nọ ở với một vị Hòa Thượng tại một ngôi chùa. Hòa Thượng này là bậc đã chứng quả nên Ngài biết chú tiểu sẽ chết trong bảy ngày nữa. Vì mong muốn chú tiểu sẽ được ra đi trong vòng tay của bố mẹ nên hôm ấy, Hòa Thượng gọi chú tiểu vào và nói: “Thầy cho con về thăm cha mẹ một tuần”. Chú tiểu nghe vậy vui lắm. Chú tung tăng đi về.

Trên đường về, chú đi qua một con suối. Đúng lúc ấy, trời đổ mưa rất to, chú chưa thể qua suối được. Chú đứng bên bờ nhìn xuống dòng suối chảy xiết. Trên dòng suối ấy, có một bọng gỗ mà trên đó có vô số những con kiến đang bò hết sức hoảng loạn. Chú khởi tâm thương xót. Chú quyết tâm lội ra suối kéo bọng gỗ lên bờ bằng mọi cách để cứu được đàn kiến vì chỉ trôi thêm một đoạn nữa thôi là bọng gỗ sẽ bị vùi xuống nước khiến cả đàn kiến phải chết. Sau khi cứu đàn kiến xong, chú đợi cho mưa tạnh, suối bớt chảy xiết rồi mới băng suối về nhà. Chú ở nhà với cha mẹ rất vui.

Chú tiểu cứu đàn kiến thoát chết

Chú tiểu cứu đàn kiến thoát chết

Sau một tuần, chú xin phép cha mẹ trở lại chùa. Khi chú về chùa, Hòa Thượng rất ngạc nhiên, Ngài thấy diện tướng của chú thay đổi hẳn và không hiểu vì sao chú có thể trở về được. Hòa Thượng liền hỏi:

- Giờ Thầy hỏi con. Trong thời gian con đi về nhà, con có làm được việc thiện, việc tốt đẹp gì không?

- Không ạ! Sư Phụ cho con về nhà con cũng chỉ ở nhà chơi và cơm nước giúp cha mẹ thôi chứ không làm được việc thiện gì.
Hòa Thượng bảo chú nghĩ kĩ lại và nói cho Ngài nghe. Chú tiểu sực nhớ ra sự việc hôm đi về và bạch Hòa Thượng:

- Bạch Sư Phụ! Hôm con về, con gặp trận mưa lớn ở suối. Con đã vớt một bọng gỗ cứu được một đàn kiến ở trên đó đang lênh đênh giữa dòng nước ạ.
Nghe vậy, Hòa Thường vui mừng:

- Đúng rồi! Do con làm cái nhân lành đấy cho nên con được còn đến ngày hôm nay. Sư Phụ nói cho con nghe. Sư Phụ biết là con chỉ còn thọ mạng đúng một tuần nữa nên Sư Phụ cho con về nhà để con được ra đi trong vòng tay bố mẹ. Nhưng hôm nay con về được thế này, Sư Phụ thấy diện tướng con thay đổi hoàn toàn. Đó là do con làm được việc phúc, con cứu được bao nhiêu vạn con kiến nên thọ mạng của con được kéo dài, con không bị chết yểu nữa. Sư Phụ chúc mừng cho con. Con nhớ phải tinh tấn tu tập!

Đây là câu chuyện trong Phật Pháp về việc chuyển được nghiệp mất mạng. Thọ mạng của chúng ta nếu khéo tu tập, tích lũy phước báu thì chúng ta vẫn có thể chuyển hóa.

2. Khi có người mất, gia đình nên làm gì để được lợi ích?

Trong gia đình khi có người mất, Thầy khuyên các Phật tử không nên đi xem bói. Vì khi thầy bói phán trùng tang khiến cho gia đình lo lắng, tâm lý bất an, phải bỏ tiền ra làm lễ. Vì thế, chúng ta nên nghe theo lời Phật dạy trong kinh Địa Tạng rằng: Nhà có người mất, con cháu nên tu phúc, làm chay cúng dường, bố thí, phóng sinh, ấn tống Kinh điển, tụng kinh sám hối, hồi hướng phước báu cho người đã mất thì sẽ đem lại lợi ích và phước báu cho cả người mất và người sống. Đó là cách tu tập để chuyển hóa việc này.

Cho nên, chúng ta tin rằng không có không có “thần trùng”, “quỷ trùng” hay “Diêm Vương” bắt hương linh dẫn về nhà chỉ điểm để bắt con cháu đi theo mà chỉ có sự đồng nghiệp. Sự đồng nghiệp đó, nếu chúng ta biết tu tập thì sẽ chuyển hóa được.

Bài liên quan
156
CHIA SẺ
Bình luận (25)

Đọc thêm

26 T1, 2024
26 T1, 2024
Tạ mộ cuối năm: Những điều lưu ý để gặp được may mắn, tránh tai họa

Tạ mộ cuối năm thế nào để không phạm tâm linh, đem đến may mắn là thắc mắc của nhiều người. Điều này sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây

179 34818

Tạ mộ cuối năm: Những điều lưu ý để gặp được may mắn, tránh tai họa

15 T12, 2023
15 T12, 2023
Di cung hoán số có đổi được vận mệnh hay không?

Di cung hoán số là câu chuyện thường xuất hiện trong dân gian. Theo quan điểm đạo Phật, thực hư câu chuyện di cung hoán số là như thế nào?

40 10304

Di cung hoán số có đổi được vận mệnh hay không?

10 T12, 2023
10 T12, 2023
Bốc mộ, cải táng và những điều cần làm trước khi bốc mộ

Bốc mộ không đúng sẽ bị “phạm” vào tâm linh là điều các gia đình rất lo lắng. Vậy bốc mộ bị gặp điềm xấu là do đâu? Và cần làm gì trước khi bốc mộ, cải táng?

40 24211

Bốc mộ, cải táng và những điều cần làm trước khi bốc mộ

22 T11, 2023
22 T11, 2023
Xem bói: Thay đổi vận mệnh hay rước họa vào thân?

Xem bói trên mạng xã hội là một trong những trào lưu thu hút giới trẻ hiện nay với đa dạng hình thức. Vậy xem bói sẽ dẫn đến những hậu quả gì?

25 10877

Xem bói: Thay đổi vận mệnh hay rước họa vào thân?

06 T10, 2023
06 T10, 2023
Cõi ngạ quỷ có đời sống sinh hoạt như thế nào?

Cõi ngạ quỷ tức là cõi vong hồn, vong linh đói khát. Đạo Phật lý giải vấn đề này như thế nào? Vong linh ngạ quỷ có thật hay không và chúng có cuộc sống ra sao?

38 24251

Cõi ngạ quỷ có đời sống sinh hoạt như thế nào?

02 T10, 2023
02 T10, 2023
Địa ngục là gì? Địa ngục có thật hay không?

Địa ngục là 1 trong 6 cõi lục đạo luân hồi. Đây là nơi tái sinh của của những tội nhân (linh hồn) khi sống ở trần gian tạo các việc xấu ác.

46 18426

Địa ngục là gì? Địa ngục có thật hay không?

01 T9, 2023
01 T9, 2023
Người chết đi về đâu trong 7-7-49 ngày và gia quyến nên làm gì để lợi ích cho người chết?

Người chết đi về đâu là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người. Vậy sau khi chết con người đi về đâu? Nên làm gì để lợi ích cho người chết trong 49 ngày?

38 29046

Người chết đi về đâu trong 7-7-49 ngày và gia quyến nên làm gì để lợi ích cho người chết?